Chúng tôi trả lời

Giải quyết chế độ khi sáp nhập doanh nghiệp.
Chuyên mục:
Bảo hiểm
Người hỏi:
Nguyễn Văn A
Email:
A@gmail.com
Số điện thoại:
0912357xxx
Tiêu đề câu hỏi:
Giải quyết chế độ khi sáp nhập doanh nghiệp.
Câu hỏi:
Tôi đã làm việc được hơn 12 tháng tại Công ty Than X. Hiện nay, tôi bị nghỉ việc do Công ty sáp nhập doanh nghiệp khác. Vậy tôi có được hưởng cả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc không?
Trả lời:
- Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Căn cứ vào quy định nói trên, đối với những người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, nếu bị chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do được nêu tại Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10 Điều 36 Bộ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Theo như bạn trình bày, bạn muốn hỏi về trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng theo Khoản 10 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012.

Khoản 10 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

“10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Như vậy, theo quy định này, hợp đồng lao động được chấm dứt trong hai trường hợp sau: (1) NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012; (2) NSDLĐ cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đối với trường hợp thứ (1), khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 thì NSDLĐ chỉ phải chi trả cho người lao động trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012.

Đối với trường hợp thứ (2), trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã, NSDLĐ phải tuân thủ các nghĩa vụ tại Điều 45 Bộ luật lao động năm 2012.

Điều 45 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

“1. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động trước đó phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

3. Trong trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều này, thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này”.

 Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

“1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm”.

 Như vậy, trường hợp của bạn sẽ được công ty chi trả trợ cấp mất việc làm thay cho trợ cấp thôi việc. Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012 thì thời gian mà người lao động đã được chi trả trợ cấp thôi việc và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính vào thời gian để tính trợ cấp mất việc làm. Vì vậy, trong trường hợp của bạn, bạn sẽ không được hưởng cả hai chế độ trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc cùng một lúc.