Chúng tôi trả lời

Người lao động bắt buộc phải có mặt khi xử lý kỷ luật lao động?
Chuyên mục:
Lao động
Người hỏi:
Nguyễn Văn B
Email:
B@gmail.com
Số điện thoại:
0912357xxx
Tiêu đề câu hỏi:
Người lao động bắt buộc phải có mặt khi xử lý kỷ luật lao động?
Câu hỏi:
Tôi bị vi phạm nội quy lao động và bị kỷ luật. Công ty đang tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật đối với tôi. Tuy nhiên, khi công ty mời tôi đến để tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật nhưng vì bận việc riêng nên tôi không đến dự họp được. Công ty có tiến hành xử lý kỷ luật tôi không?
Trả lời:
Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn TKV trả lời:

Điểm c, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động hiện hành quy định một trong những nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau: Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

Đồng thời, tại Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 quy định trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động  như sau:

1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.  
2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động.

3. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.  

4. Người giao kết hợp đồng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.  

5. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản mà người lao động vẫn không có mặt thì có quyền họp xử lý kỷ luật lao động mà không cần sự có mặt của người lao động./.