Đời sống - Xã hội

Truyện cổ tích giữa đời thường

Ngày đăng: 30/10/2019

Bề ngoài ai cũng nghĩ tôi thuộc tuýp người cứng rắn. Ngay đến bà vợ người sống với tôi suốt 25 năm qua cũng phải thốt lên: “Có lẽ trên đời này anh chẳng biết sợ ai đâu nhỉ? Cái mặt anh cứ câng câng trong mọi tình huống. Chẳng bao giờ em thấy anh khóc vì ai, ngoại trừ người thân mất. Nhầm... quá nhầm! Nước mắt đàn ông luôn chảy vào trong, ép nén cảm xúc chứ đâu dễ dàng cân, đong, đo, đếm.

Vợ chồng anh Triệu Nguyên Chuyên và chị Bùi Thị Điểm
 
Nhưng hôm nay tôi đã khóc. Một cảm xúc khó tả cứ dâng lên cay sè nơi sống mũi, trào dâng trong khoé mắt, khiến tôi phải quay mặt đi giấu giọt nước mắt đang lăn. Tôi đã khóc, thì ra truyện cổ tích giữa đời thường là có thật, đâu phải trên truyền hình, trên đài báo mà nó hiển hiện ngay trước mặt tôi, trong một căn nhà đơn sơ tại tổ 8, khu 7, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nơi tôi đang sinh sống.

Mấy hôm trước ngồi quán trà đá vỉa hè, có chị công nhân đi qua bảo: “Khu nhà em có cặp vợ chồng mới thuê nhà ở. Chồng làm công nhân mỏ, vợ tàn tật đúng như cổ tích đời thường, còn xúc động hơn trên ti vi anh ạ! Đi đâu cũng thấy người chồng cõng vợ, thương lắm anh ơi. Anh có thể viết động viên họ một bài về gương người tốt được không anh”. Tôi chỉ cười và thầm nghĩ: “Đúng là chuyện đàn bà. Vợ chồng là cái nghĩa ở đời, lấy nhau về chẳng may sảy ra biến cố thì phải chấp nhận, mấy ai dễ ngoảnh mặt bỏ đi”.

Ngày 29/10, nhận được cuộc điện thoại của anh Nguyễn Duy Thái, Chủ tịch công đoàn Công ty than Khe Chàm - TKV: “Ông có đi thăm gia đình công nhân Triệu Nguyên Chuyên, khai thác 9 người có vợ bị tàn tật cùng với anh em lãnh đạo công ty không?”. 

Đương nhiên là có rồi, vì thực sự tôi cũng muốn biết câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” cụ thể như thế nào?

Gặp tôi, anh Phạm Đức Khoa, Phó bí thư Đảng ủy công ty thân mật nói: “Chú đi cùng bọn anh lên thăm công nhân của Công ty mình, cảm động lắm em à, phải nói như thế nào mới đúng nhỉ? Nghĩa hiệp cũng không phải? Nhân văn cũng chưa xứng... ừ...! Cổ tích...! Đúng rồi...! Truyện cổ tích giữa đời thường chú à!”

Mấy anh em leo lên một con dốc ngoằn ngoèo, nơi có những căn nhà nhỏ xưa kia là nơi ở của doanh trại quân đội để lại. Đón chúng tôi là một thanh niên khá đẹp trai, khỏe mạnh, sáng láng trong nụ cười hào sảng cùng với cái bắt tay ấm tình thân mật.
 

Lãnh đạo Công ty than Khe Chàm đến thăm hỏi, động viên gia đình
 
Một gian tập thể cũng hơi chật so với một gia đình công nhân. Trên chiếc giường một phụ nữ đang nằm, nhìn thấy chúng tôi chị chống tay xuống giường ngồi dậy. Cúi thấp mình gật gật. Người thanh niên liền bảo: “Vợ em chào các anh đấy ạ!” Nói đoạn anh bước đến bên giường định bế vợ xuống chiếu ngồi cùng chúng tôi, nhưng thấy chị xua tay, rồi lê mình đẩy bằng một cánh tay còn lại trượt xuống giường thoăn thoắt như muốn thể hiện với chúng tôi mình vẫn còn rất khoẻ!

Chị ngồi yên, đầu ngả vào bờ vai vững chắc của chồng, ánh mắt sáng lên niềm hạnh phúc, mãn nguyện khi nghe chồng kể về gia đình mình: 
 
Em tên là Triệu Nguyên Chuyên sinh năm 1988 người dân tộc Tày. Thôn Nà Cọ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Còn vợ em là Bùi Thị Điểm sinh năm 1989 thôn Đăng Xá, xã Cương Chính huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Chúng em quen nhau trên mạng xã hội Facebook vào năm 2014. Thoạt đầu chỉ là những câu chào hỏi xã giao, động viên chia sẻ cho nhau những lúc vui, lúc buồn rồi dần dần em bị cảm hoá bởi một tâm hồn thánh thiện. Vợ em không cho em được những bức ảnh tự sướng, những nụ cười tỏa sáng, nhưng cho em một trái tim nhân hậu đã làm lay động trong em. Chẳng biết có phải là duyên số như người ta nói hay không? Mà khi thấy Điểm viết: “Em bị tàn tật sau một trận ốm từ nhỏ anh ạ!” Lòng em lại trào lên một niềm thương yêu vô bờ bến. Tàn tật thì làm sao? Họ đã phải chịu thiệt thòi nhiều lắm rồi! Lẽ nào họ không có quyền được hưởng hạnh phúc. Em chỉ nghĩ thế thôi. Rồi một ngày em quyết tâm tìm về nhà Điểm và chính thức em đã thực sự bị chinh phục bởi tấm hồn của vợ em. Tuy không nói được, không đi được, không đứng được. Nhưng Điểm lại có một nghị lực, một trái tim vượt lên trên tất cả và chính từ nghị lực ấy, chính từ trái tim thánh thiện ấy, đã cho em ngộ ra một điều, chỉ có Điểm mới có thể bù đắp trong trái tim em những thứ còn thiếu, Điểm cho em  cái đẹp về tâm hồn, nghị lực cũng như em bù đắp cho Điềm về sức khỏe, cuộc sống để cùng hoà hợp bên nhau, xây dựng hạnh phúc. 
 
Nhưng để chúng em đến được với nhau cũng đâu phải đơn giản. Họ nội nhà em không đồng ý. Họ ngoại cũng nhiều người công phá, bởi họ không tin em yêu Điểm bằng chính trái tim của mình, sợ em làm tổn thương tới Điểm. Nhưng chúng em vẫn vượt qua tất cả, tự nguyện đến với nhau, bù đắp cho nhau những thiếu thốn bằng chính tình cảm của mình.

Chúng em cưới nhau năm 2016 tại quê ngoại Hưng Yên. Sau một năm chúng em sinh cháu Triệu Trung Đức. Ở nhà ngoại một thời gian vì điều kiện cũng khó khăn nên em quyết định ra Quảng Ninh làm công nhân mỏ tại Công ty than Khe Chàm. Tuy công việc có vất vả nhưng thu nhập ổn định, đủ để trang trải cho cuộc sống, cũng như thuốc men cho vợ em những hôm trái gió trở trời. Nửa đêm đi làm về, thấy vợ em vẫn thức bên nồi cơm vừa mới cắm, em lại thấy cảm động, thương vợ lắm! Hạnh phúc đối với em chỉ cần có thế thôi.

Nghe chồng nói đôi mắt của chị Điểm sáng lên niềm hạnh phúc, chị với tay lấy chiếc điện thoại trên bàn, run rẩy bật trang Facebook của mình, trong ấy có hình cậu con trai hai tuổi đẹp như thiên thần đang lanh lợi chạy chơi cùng ông ngoại ở quê. Chị nheo mắt, ngửa đầu, há miệng khó khăn lắm mới phát ra được mấy câu ú ớ mà tôi phải chú ý lắm mới nghe rõ: Co..on... tra..i.... đấy!  

Chúng tôi chuyền tay nhau nhìn thằng bé lon ton chạy mà bỗng thấy ấm lòng cho đôi uyên ương. Thì ra cuộc đời này còn nhiều điều đáng yêu lắm!

Khác những mối tình mà chúng ta đã từng xem, từng đọc trên mạng. Nào người mẫu lấy ông lão già đại gia. Nào bà 62 lấy anh 26... Với tôi, không biết có mục đích ẩn chứa, manh mún gì trong hai chữ “tình yêu” ấy hay không? Họ xây lên bằng tình cảm hay bằng tình tiền? Nhưng tình yêu của Chuyên và Điểm ở nơi đây đã được xây lên từ chính tình yêu thánh thiện, xuất phát từ hai trái tim cùng chung một nhịp đập. Họ đến với nhau không vụ lợi, chỉ có tình yêu thương nhau, đùm bọc, bù đắp cho nhau, bất chấp cả rào cản gia đình, xã hội. Họ hiển hiện giữa đời thường chỉ bởi một lẽ vì nhau. 

Nhìn hình ảnh các lãnh đạo Công ty than Khe Chàm đến động viên, trao quà. Nhìn ánh mắt rưng rưng cảm động của anh Chuyên. Ánh mắt ngời lên niềm vui sướng, hạnh phúc, biết ơn của chị Điểm, tôi vội rút chiếc điện thoại quên cả chọn góc máy chớp vội cái khoảnh khắc xúc động này. Bỗng dưng sống mũi tôi cay cay khi thấy những bàn tay của họ lần đến nhau xiết chặt, thắp lửa nhân văn, ấm nồng tình nghĩa của những người thợ mỏ và tôi đã khóc!
 
Nguyễn Tiến Du

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản