Công tác Tuyên truyền

Người thầy của những kỹ sư an toàn mỏ

Ngày đăng: 14/5/2020


Năm 2001, tiến sĩ (TS) Isei Takehiro, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực an toàn mỏ, đảm nhiệm chức Cố vấn trưởng Dự án Trung tâm Quản lý an toàn khí mỏ Việt Nam tại Quảng Ninh. Dự án kết thúc (năm 2006), được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá là dự án thành công nhất của Chính phủ Nhật Bản trên thế giới. Thời điểm đó, TS. Isei được rất nhiều nước trên thế giới mời về làm việc, nhưng ông đã viết đơn tình nguyện ở lại Việt Nam để đồng hành cùng những kỹ sư của Trung tâm An toàn mỏ trong gần 20 năm qua. Dưới sự dẫn dắt của ông, rất nhiều kỹ sư của Trung tâm đã trưởng thành, đối với họ, ông không chỉ là nhà khoa học xuất sắc, mà còn là người thầy đặc biệt cả trong công việc và cuộc sống.

Tháng 2/2014, lần đầu tiên tôi gặp TS. Isei trong căn phòng làm việc nhỏ của ông ở Trung tâm An toàn mỏ (Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin) khi ông đã 71 tuổi, đã ở Việt Nam hơn 10 năm. Mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi không phải về vấn đề an toàn mỏ, niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời làm khoa học của ông, mà về tình cảm sâu đậm của ông dành cho Việt Nam, cho Vùng mỏ Quảng Ninh.

Chia sẻ về lý do chọn Việt Nam chứ không phải là quốc gia phát triển khác trên thế giới hoặc ở lại quê hương Nhật Bản để tiếp tục công việc nghiên cứu, TS. Isei kể: Trong số 45 quốc gia mà ông từng đặt chân đến, có 3 nơi ông thích nhất. Một là Canada, lãnh thổ nước ngoài đầu tiên ông tới. Hai là Hungary, nơi ông có 5 năm nghiên cứu, giảng dạy về an toàn mỏ. Việt Nam là quốc gia thứ ba, nơi có những con người rất kiên cường và mạnh mẽ. Sau tất cả, ông chọn ở lại Việt Nam vì ông thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn nữa cho sự an toàn của ngành Than. Nhất là khi những tai nạn liên quan đến nổ khí mỏ vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam và năng lực của các kỹ sư khai thác mỏ vẫn đang trong quá trình tích lũy. "Tôi mong muốn truyền lại càng nhiều kinh nghiệm của mình càng tốt, để các kỹ sư Việt Nam tiến hành nghiên cứu các công việc chuyên sâu hơn" - TS. Isei tâm sự.

Đau đáu cho sự an toàn của bước chân những người thợ mỏ mỗi lần xuống lò, từ năm 2006 đến nay, bất cứ khi nào Trung tâm An toàn mỏ cần sự hỗ trợ, ông lại sang Việt Nam và ở lại nghiên cứu cùng với mọi người. Ngay cả khi đã ở độ tuổi cần được nghỉ ngơi, tóc đã bạc, nhưng sự cống hiến của ông dành cho lĩnh vực an toàn mỏ không ngơi nghỉ. Cũng có rất nhiều lần, khi nghĩ ra một ý tưởng mới, phương pháp nghiên cứu mới, ông lại tự bỏ tiền cá nhân ra mua vé máy bay, tiền khách sạn, chi phí đi lại tại Việt Nam. Đi đi, về về Việt Nam nhiều đến nỗi, vợ ông phải hỏi có phải ông đã phải lòng ai đó ở Việt Nam hay không. “Đúng là tôi đã phải lòng, nhưng là phải lòng Việt Nam chứ không phải là cô gái nào cả” - Ông cười.

Để chứng minh cho sự phải lòng của mình, trong những lần trao đổi với ông qua email, TS. Isei còn nhớ rõ 7 lần ông đến Việt Nam từ năm 2014-2019, tổng cộng 321 ngày. Ông bảo: Đến nay, ông đã đón 6 cái Tết cổ truyền của Việt Nam, leo núi Yên Tử ít nhất 13 lần và rất nhiều lần đi tham quan Vịnh Hạ Long, Sapa, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... Khi về Nhật, ông vẫn thường nhớ đến các món ăn của Việt Nam, nhiều món có hương vị khá kỳ lạ với người Nhật, như mắm tôm, trứng vịt lộn... "Nhưng tôi thật sự thích và thấy nhớ căn phòng nhỏ của mình ở Trung tâm An toàn mỏ, TP Uông Bí, một cách da diết. Vì vậy, ngay sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, tôi sẽ quay lại Trung tâm An toàn mỏ để tiếp tục nghiên cứu đề tài về than tự cháy và thưởng thức cảnh đẹp, cũng như những món ăn ngon của các bạn".

Nhớ lại những năm đầu Dự án Trung tâm Quản lý an toàn khí mỏ Việt Nam tại Quảng Ninh triển khai, Giám đốc Trung tâm An toàn mỏ, TS. Lê Trung Tuyến chia sẻ: Cách đây 20 năm, tôi là một trong 6 kỹ sư của Việt Nam may mắn được tham gia Dự án. Lúc đó, mọi người đều mới ra trường, nên kinh nghiệm thực tế còn rất ít ỏi. Trong khi đó, lĩnh vực thông gió chủ yếu học trên lý thuyết, mọi thông số tính toán hoàn toàn thực hiện bằng số học, chưa áp dụng bằng các phần mềm hiện đại. Các lĩnh vực về độ chứa - thoát khí, than tự cháy, kiểm định theo tiêu chuẩn của thế giới còn rất mới mẻ. Để chúng tôi nhanh chóng tiếp cận và làm chủ được công nghệ mới, TS. Isei đã xây dựng các bài giảng cho từng ngày với các chủ đề khác nhau. Đặc biệt, trước khi bắt tay triển khai bất cứ công việc gì, ông đều lên kế hoạch một cách rất cẩn thận, khoa học, có mục đích; sau đó sẽ xây dựng nội dung, đưa ra thời gian cụ thể và dựa vào kế hoạch đó để thực hiện. Yêu cầu đặt ra của TS. Isei là mọi người phải tự phát hiện các tính chất có ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn, các tham số, cách lấy được số liệu phân tích của các tham số này, các phân tích dữ liệu về mặt lý thuyết cũng như thực tế. Đồng thời, phải làm mọi việc theo đúng quy định, nhưng quy định ấy phải cập nhật được với sự phát triển chung của thế giới. Bất cứ lúc nào, trong tay ông luôn có một cuốn sổ nhỏ để ghi lại các thông số, dữ liệu cho việc tập hợp, so sánh, đối chiếu và nghiên cứu. Khi chúng tôi hỏi những vấn đề nằm ngoài chuyên môn của ông, ông sẽ liên lạc với những người bạn khoa học trên khắp thế giới của mình để tìm câu trả lời chính xác nhất, nhanh nhất cho chúng tôi.

Không chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm, TS. Isei còn thường xuyên xuống các hầm lò của mỏ than Mạo Khê (mỏ than mẫu trong khuôn khổ Dự án, năm 1999 có 19 công nhân thiệt mạng vì nổ khí mê tan). Thời điểm đó, ông đã gần 60 tuổi, nhưng đều đặn 3 lần/tháng ông xuống các hầm lò của mỏ Mạo Khê để kiểm tra các thiết bị đầu đo, lấy mẫu khí, xác định độ chứa khí trong các mỏ than. Thời gian đi bộ mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ cho gần 12km cả đi và về, nhưng chưa bao giờ ông tỏ ra mệt mỏi, trong khi nhiều người trẻ còn thấy oải.

Dự án thực hiện ở Quảng Ninh, nhưng để đánh giá và có cái nhìn rộng hơn về kỹ năng an toàn của người lao động dưới hầm lò, TS. Isei còn đến mỏ than Khe Bố (tỉnh Nghệ An) để theo dõi, ghi chép lại công tác đào tạo của các chuyên gia Việt Nam. Ông cũng dành rất nhiều thời gian để biên soạn, hiệu chỉnh nhiều tài liệu của nước ngoài cho phù hợp với thực tế khai thác than của Việt Nam. Trong suốt những năm qua, ông cần mẫn như một con ong thợ đối với công việc của mình. “Đấy thực sự là cách làm của một nhà khoa học chân chính mà chúng tôi đã được học từ ông” - TS. Lê Trung Tuyến chia sẻ.

 

Đối với anh Phạm Quang Thái, Trưởng Phòng Kiểm định, Trung tâm An toàn mỏ, ngoài tấm gương trong công việc thì cuộc sống sinh hoạt cá nhân của TS. Isei cũng để lại cho anh sự khâm phục rất lớn. “Hình ảnh tôi nhớ nhất về ông là cứ 5h, dù nắng hay mưa, dưới sân của khu tập thể Trung tâm có một ông già vừa đi bộ, tay cầm 2 quả tạ nhỏ và mang theo thiết bị đo nhịp tim, đếm bước chân. Chương trình thể dục buổi sáng của ông sẽ chỉ dừng lại khi thiết bị kêu bíp bíp báo số bước chân đã đến 10.000 nhịp. Sau nhiều ngày như thế, giờ thì việc tập thể dục buổi sáng cũng đã trở thành thói quen của chính tôi".

Anh Thái kể thêm: Chúng tôi đã nhiều lần cùng TS. Isei đi Yên Tử, nhưng anh em thường chọn cáp treo để đi, những người tự đi bộ lên chùa Đồng rất ít. Nhưng lần nào ông cũng leo bộ lên chùa Đồng, ông bảo chỉ có đi bộ mới mang lại cho ông những trải nghiệm thú vị và tìm thấy sự thanh tịnh trong tâm hồn. Cuối năm 2019, dù đã 76 tuổi mà ông còn leo núi hơn 2 giờ với những bậc thang dốc ngược để lên tận cột mốc 1305 ở huyện Bình Liêu (biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc). Thêm một điều đặc biệt nữa là TS. Isei có sự thích nghi rất nhanh với điều kiện sống của Việt Nam và rất gần gũi với mọi người. Cuối tuần, khi có thời gian, ông lại mời mọi người đến thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Nhật do ông tự tay chế biến. Ông thực sự là một người thầy gương mẫu cho tất cả những người may mắn như chúng tôi. Đến giờ, hơn 30 kỹ sư được ông dẫn dắt, đào tạo, những người ở lại Trung tâm đều giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, những người ra ngoài thì đều rất phát triển trong sự nghiệp và có chỗ đứng vững chắc.

Sau giai đoạn chuyển giao công nghệ của Dự án, chức năng chính của Trung tâm An toàn mỏ là nghiên cứu triển khai các dịch vụ kỹ thuật cho các mỏ để đảm bảo doanh thu. TS. Nguyễn Minh Phiên, Trưởng Phòng Thông gió - An toàn mỏ của Trung tâm, chia sẻ: Cho đến tận bây giờ, chúng tôi cảm nhận rằng TS. Isei luôn coi Trung tâm là con đẻ của mình. Giống như cách của một người cha nuôi dạy con, ông muốn Trung tâm phải lớn mạnh và phát triển hơn nữa, đào tạo thêm nguồn nhân lực trẻ để giúp họ trở thành những kỹ sư an toàn mỏ một cách thực sự. Do đó, khi thấy chúng tôi mải thực hiện đơn đặt hàng của các đơn vị ngành Than để đảm bảo đời sống cho 70 CBCNV, đã khiến cho ông chưa thực sự yên tâm và hài lòng. Ông luôn nói đi nói lại với chúng tôi rằng: “Tai nạn tiềm ẩn trong ngành Than còn cao, chúng ta phải có những nghiên cứu đi trước để làm tốt công tác phòng chống, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong khai thác than”.

Điều TS. Isei đề cập đến hoàn toàn là chính xác. Bởi sau hơn một thế kỷ khai thác, nguồn than đang dần bị thu hẹp, đã buộc con người phải đào sâu hơn, nghĩa là khai thác than bằng hầm lò ngày càng nhiều hơn. Hiện tại các hầm lò của một số công ty như Mạo Khê, Mông Dương, Dương Huy, Hà Lầm..., thợ lò phải xuống sâu hàng trăm mét. Điều đó đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn có thể xảy ra.

Cũng vì có một người cha khó tính như vậy, nên anh em ở Trung tâm những năm gần đây vừa làm dịch vụ, vừa không dám sao nhãng nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ sư trẻ. Trung tâm đang nghiên cứu về cơ chế than tự cháy, một vấn đề rất nóng hổi của ngành mỏ khi khai thác xuống sâu hơn. Thiệt hại do than tự cháy không gây ảnh hưởng lớn về người như một vụ cháy nổ khí, nhưng lại gây thiệt hại lớn về kinh tế khi có thể phải đóng cửa một số khu khai thác để dập cháy. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác than của cả một mỏ. Tuy nhiên, vì đặc điểm than của Việt Nam cứng nhất, già tuổi nhất, chất lượng tốt nhất, còn than của các nước khác là than non, dẫn đến cơ chế tự cháy khác nhau hoàn toàn. Để tìm ra một phương pháp phù hợp với than trong nước, Trung tâm cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và rất may mắn khi TS. Isei vẫn nhận lời đồng hành. Các kết quả nghiên cứu về than tự cháy đã, đang và tiếp tục thực hiện sẽ tạo thêm một bước phát triển mới lĩnh vực an toàn mỏ.

 

“Lúc đó, ông bố khó tính của chúng tôi chắc sẽ rất vui và tự hào”. Trong căn phòng làm việc của Giám đốc, TS. Lê Trung Tuyến, không hẹn mà gặp, tất cả 5 kỹ sư, 5 người học trò đầu tiên của TS. Isei đều thốt lên như vậy, khiến người ở vai trò ghi chép lại câu chuyện như tôi hôm ấy cũng cảm nhận được tình cảm thân thiết, gắn bó của những kỹ sư an toàn mỏ với người thầy người Nhật Bản đặc biệt ấy.

Thực hiện: Hoàng Nga; Trình bày: Đỗ Quang (baoquangnonh.com.vn)

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản