Tin Công đoàn TKV

Thợ mỏ toả sáng giữa Thủ đô

Ngày đăng: 3/11/2016

Hình ảnh ngành Than và người thợ mỏ đã in đậm trong tâm trí của công chúng Thủ đô Hà Nội từ “ngày xửa ngày xưa”. Tuy nhiên, từ khi Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn TKV được thành lập đến nay thì vị thế và hình ảnh tốt đẹp của người thợ mỏ cũng như ngành Than - Khoáng sản Việt Nam càng sâu đậm hơn. Và hình ảnh ấy đã lan tỏa từ Hà Nội ra cả nước ngày càng đậm nét.
Là người may mắn được trực tiếp góp phần và chứng kiến thợ mỏ tỏa sáng giữa Thủ đô nhiều lần, tôi không bao giờ quên được niềm vui, niềm tự hào ấy. Xin được kể lại một số cảm xúc sâu sắc trước sự đăng quang của thợ mỏ nơi Hà thành Thăng Long.
Năm 2008, thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành tôn vinh và trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ Nhất cho 100 công nhân xuất sắc tiêu biểu toàn quốc. Đến dự động viên và chứng kiến sự kiện này có đông đủ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành TW và thành phố Hà Nội cùng gần 1.000 đại biểu CNVCLĐ, cán bộ Công đoàn toàn quốc. Hôm ấy cả hội trường Cung văn hóa Hữu nghị đã xôn xao khi ban tổ chức buổi lễ giới thiệu liên tục 14 thợ mỏ ưu tú lên sân khấu nhận giải thưởng. Bởi cả nước có tới hơn 80 đầu mối trực thuộc Tổng Liên đoàn. Riêng ngành Than đã có 14/100 người được vinh dự ấy thì đáng tự hào lắm. Rất nhiều tiếng trầm trồ khen ngợi công nhân mỏ. Tôi nhớ rất rõ ông Cà Văn Chiu, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La nói vui: “Cả vùng Tây Bắc chưa bằng một nửa ngành Than”.
Đầu năm 2009, tại hội nghị nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2008-2013 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Tham gia hội nghị có gần 500 cán bộ Công đoàn chủ chốt toàn quốc. Buổi đầu khai mạc, ban tổ chức hội nghị đã tổ chức một chương trình văn nghệ. Không chỉ tôi và đoàn cán bộ Công đoàn Quảng Ninh mà rất nhiều cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương có mặt tại hội nghị đều ngạc nhiên khi anh Trần Huy Vị, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Hà Nội đứng lên tự giới thiệu hát tặng đoàn Quảng Ninh và hội nghị bài Tình ca người Thợ mỏ. Khách quan mà nói anh Vị hát không hay lắm, thậm chí có chỗ còn sai lời. Nhưng bù lại anh hát rất say sưa và đúng giai điệu. Khi anh bắt nhịp cho cả hội trường cùng là la lá la… thì mấy trăm người cùng vui vẻ vỗ tay theo. Từ xúc cảm trào dâng của “sự kiện” này lại phấn chấn trước lời chúc mừng của nhiều đồng nghiệp, tôi đã viết bài tùy bút “Giữa Thủ đô nghe đồng nghiệp hát Tình ca Thợ mỏ”. Bài báo được in ở nhiều báo chí Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.
Những năm 2003 và 2008, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng trong công nhân viên chức lao động toàn quốc chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X và lần thứ XI. Hưởng ứng hoạt động này, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đã giao cho tôi tham mưu và phối hợp cùng Giám đốc Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật lựa chọn đội tuyển, dàn dựng chương trình tham gia hội diễn. Với suy nghĩ chỉ có các đơn vị ngành Than mới đủ nhân tài vật lực để “đem chuông đi đấm nước người” tôi đã đề xuất chọn đội văn nghệ của Công ty than Vàng Danh và Công ty Than Đèo Nai.
Mỗi lần hội diễn toàn quốc thường có mấy chục đoàn từ Bắc chí Nam tham dự. Hầu hết các đoàn đều chọn nhân tài từ nhiều cơ sở rồi thành lập đội tuyển của ngành hoặc của tỉnh, thành phố dự thi. Để thi diễn thành công, chúng tôi xác định chương trình phải mang nét văn hóa đặc trưng của người Thợ mỏ, của vùng văn hóa di sản thế giới. Chủ đề “Bên này biển bạc, bên kia than vàng” và hình tượng người Thợ mỏ là trung tâm. Với tinh thần ấy, các ca khúc: Đảng là mùa Xuân người thợ, Đất mỏ quê ta, Hò biển, Nhịp máy khoan, Chúng tôi vào lò, Hạ Long biển nhớ… luôn được các nghệ sỹ diễn viên – Thợ mỏ trình diễn hoàn hảo. Kết thúc chương trình là liên khúc Công đoàn ca gắn với Tình ca người Thợ mỏ làm nóng hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô trước hàng trăm khán giả, đại biểu trong Nam ngoài Bắc. Mặc dù chỉ là một cơ sở của ngành Than, nhưng đã góp phần tích cực để hội diễn thật sôi động và thành công. Kết quả cả hai lần ấy, các đội văn nghệ Than Vàng Danh và Than Đèo Nai đều được xếp vào tốp 10 đoàn dẫn đầu. Được ban tổ chức hội diễn tặng Bằng khen, xứng đáng là đại diện của hơn 300.000 công nhân viên chức lao động tỉnh Quảng Ninh. Nhạc sỹ Phạm Tuyên, Trưởng ban giám khảo Hội diễn khi nhận xét về chuyên môn của các đội văn nghệ Than Vàng Danh và Đèo Nai đều dành những lời khen rất sâu sắc. Đại ý, Thợ mỏ sản xuất than và ca hát, hoạt động văn nghệ đều giỏi, rất giản dị, thật đáng yêu. Họ hát về chính công việc ngành nghề của mình cũng như vùng đất mà họ gắn bó nên rất sâu lắng và đằm thắm.
Đội văn nghệ Than Hòn Gai biểu diễn chào mừng các ngày Lễ lớn năm 2015

Năm 2010 để thiết thực chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm phục vụ đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách thập phương. Đón nhận sự kiện này, như hai lần trước tôi đã tham mưu cho Liên đoàn Lao động tỉnh chon đội văn nghệ Công ty Than Hòn Gai tham gia liên hoan. Đúng như dự tính và mong muốn, kết quả đội văn nghệ Than Hòn Gai đã đạt giải A toàn đoàn với 4 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đặc biệt hơn, sau liên hoan, Đội văn nghệ Than Hòn Gai cùng một số ít đoàn khác được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội bố trí đi lưu diễn phục vụ nhân dân tại Cầu Giấy và Hà Đông. Biểu diễn ở đâu các nghệ sỹ Thợ mỏ cũng làm nổi đình nổi đám rạng danh ngành Than – Khoáng sản Việt Nam và Đất mỏ Quảng Ninh. Hôm gặp mặt chia tay các đoàn, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, nay là UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đến dự. Bà Hằng đã nhiệt liệt biểu dương khen ngợi và tặng Bằng khen cho Đội văn nghệ Công ty Than Hòn Gai.
Đúng là, quá tam... năm bận, mắt thấy tai nghe thợ mỏ tỏa sáng giữa Thủ đô mà càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang 80 năm qua của thợ mỏ Quảng Ninh và ngành Than – Khoáng sản Việt Nam anh hùng./.
  Vũ Duy Đức

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản