Thi đua lao động sản xuất

“TÂM SỰ NGHỀ”

Ngày đăng: 27/4/2017

Đọc bài thơ trong Hội thi tranh báo ảnh an toàn, vệ sinh lao động Công ty tổ chức nhân hưởng ứng Tháng công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2017. Trong lời thơ giản dị ấy thấy được em, cô gái hồn nhiên yêu đời, thấy tuổi trẻ với những ước vọng, khát khao xong cũng rất đỗi đời thường. “Tâm sự nghề”, lời tâm sự của cô gái trẻ sau khi tốt nghiệp đại học về xin vào Công ty Tuyển than Cửa Ông và có gần 3 năm là công nhân phân xưởng Đường Sắt. Từ sự bỡ ngỡ, lạ lẫm, giờ em luôn xung phong, hăng hái với tất cả công việc. Và hơn hết đó là lòng yêu nghề, yêu công việc gắn bó với nơi mình sinh ra.
 
Tôi vào đường sắt năm 23 tuổi
Vừa ra trường chưa dạn dày gió sương
Bố mẹ thương, không biết mùi vất vả
Chẳng biết nghề nặng nhọc sẽ ra sao?
 
Hồi mới vào nhìn gì cũng lạ lắm
Chẳng nhớ nổi u, cóc với long đen
Tên thì lạ, hình dáng nhìn cũng lạ
Làm dần dần rồi cũng thấy thân quen.
 
Tôi luôn nghĩ đàn ông là khỏe nhất
Vào làm rồi mới thấy mình nhầm to
Phụ nữ nhé, khỏe hơn cả lực sĩ
Nâng vẹt mà nhẹ bẫng cứ như không.
 
Rồi các chị dạy tôi bắt bu lông
Cách chèn đường sao cho thật chắc chắn
Cuốc thì nặng đôi tay lại bé nhỏ
Tan tầm về đau nhức khắp cả người.
 
Ba lớp áo, mồ hôi vẫn ướt nhẹp
Găng tay dày, da vẫn rộp như thường
Ôi thấy yêu những người phụ nữ ấy
Sự can trường, pha lẫn nét thân thương!

Trần Ngọc Nhung
(Tổ sản xuất số 8 – PX Đường sắt)
Công việc lặng thầm của những người công nhân đường sắt chính là việc mang lại sự an toàn, niềm vui cho những chuyến tàu chở than hàng ngày. Không thể đếm được họ đã từng nâng bao nhiêu tà vẹt, xúc bao tấn đá dăm, siết bao nhiêu bu lông, đi bao nhiêu km để sửa chữa những tuyến đường kéo mỏ… Chỉ biết rằng, những người công nhân ấy dù mưa hay nắng, vẫn cần mẫn chăm sóc tuyến đường, bảo vệ bình an những chuyến tàu trở than, những chuyến tàu mang bao ước mơ và hy vọng của những công nhân vùng Mỏ, ước mơ về một vùng Than ngày càng lớn mạnh và giàu đẹp./.
Vũ Thị Hằng

Chia sẻ bài viết: