Công tác Tuyên truyền

Đèo Nai – Cảm xúc trong tôi!

Ngày đăng: 19/6/2017


Khai trường mỏ Đèo Nai
Hằng ngày, cứ sau mỗi ca làm việc, tôi lại đứng trên tầng cao Đèo Nai nhìn xuống thành phố Cẩm Phả rực rỡ trên bờ vịnh Bái Tử Long đang sục sôi nhịp độ phát triển với những ngôi nhà cao tầng, đường phố đông đúc xe cộ lại qua, những ống khói nhà máy Điện, nhà máy Xi măng đang miệt mài hoạt động… Và một không gian xanh mát mắt trên các triền đồi mà trước kia là bãi thải nam Đèo Nai hoà trong khung cảnh vịnh Bái Tử Long biếc xanh, núi đá lô xô chạy xa tít chân trời, mơ màng và quyến rũ, đẹp như một bức tranh.
Nhớ những ngày khi còn bé, chúng tôi hay hát bài “Em yêu đất mỏ quê em” của nhạc sỹ Bùi Đức Huyên, lời bài hát làm tôi hân hoan “... Em yêu đất mỏ quê em, em càng chăm em học hành, em càng chăm em luyện rèn. Mai em lớn lên, em xuống lò em đào than, em lên tầng em lái máy, em trở thành công nhân”, rồi vào những ngày thứ năm hay chủ nhật được nghỉ học tôi thường được các bác, các chú là công nhân cùng phố cho lên khai trường mỏ Đèo Nai xem ô tô, máy xúc làm việc, được đứng trước những vỉa than lấp lánh và hùng vĩ đẹp tuyệt vời, tôi mơ ước mai ngày lớn lên được trở thành người thợ mỏ Đèo Nai. Hôm nay, khi đã trở thành một người thợ mỏ thực thụ với 26 năm gắn bó với Đèo Nai, cảm xúc đó trong tôi như vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi trở thành người thợ mỏ Đèo Nai năm 1991, khi đó Đèo Nai và Ngành than nói chung đang đứng trước muôn vàn khó khăn vì mất đi các bạn hàng lớn do các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, sản xuất phải thu hẹp, ô tô xe máy phải đưa vào niêm cất, lao động dôi dư, đời sống công nhân rất khó khăn. Nhưng  truyền thống Anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất, tinh thần đoàn kết, sáng tạo là phẩm chất và bản  lĩnh của thợ mỏ, Đèo Nai đã tự đứng vững vượt khó đi lên.
Từ giữa thập niên 90, công cuộc đổi mới được đẩy tới, đó là thời điểm Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, thị trường tiêu thụ than bắt đầu mở ra, đó là thời cơ để Đèo Nai đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, than Đèo Nai đã trở thành một thương hiệu được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, nếu năm 1991÷1993 sản lượng mỗi năm chỉ đạt chừng 300 ngàn tấn, thì năm 1995 đã tăng lên xấp xỉ 500 ngàn tấn, tương lai đang mở ra trước mắt CBCN Đèo Nai.
Theo thiết kế của Liên Xô cũ, đến năm 2000 Đèo Nai phải đóng cửa mỏ do cạn kiệt tài nguyên, công nhân phải chuyển đổi ngành nghề, hoặc sáp nhập vào các đơn vị khác, nhưng nhờ thăm dò, thiết kế lại, Đèo Nai đã không những vẫn tiếp tục tồn tại mà còn từng bước phát triển, vượt qua sản lượng 1 triệu, rồi 2 triệu tấn/năm, những năm từ 2007÷2009, Đèo Nai chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng cổ phần hoá với tên gọi mới “Công ty cổ phần than Đèo Nai”, cũng chính những năm đó Đèo Nai bùng nổ sản lượng mỗi năm đạt xấp xỉ 3 triệu tấn, năm 2010 đã vượt ngưỡng 3 triệu tấn.
Năm 2009 và 2010, Đèo Nai đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc đổi mới công nghệ khai thác, trong đó đã đầu tư mua thêm nhiều xe ô tô và máy xúc trọng tải lớn hiện đại do Mỹ và Nhật Bản sản xuất. Nhờ vậy năm 2010 đã bốc xúc được 24,735 triệu m3 đất đá và khai thác trên 3,070 triệu tấn than, đưa tổng doanh thu lên 3 nghìn 183,351 tỷ đồng, tăng 38 % so với năm 2009, lợi nhuận đạt 62 tỷ đồng. Từ năm 2011 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu Đèo Nai cũng như các Công ty khác trong TKV phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm sản lượng khai thác, chế biến và tiêu thụ than. Nhưng với truyền thống “Kỷ luật và Đồng Tâm” CBCN Đèo Nai đã dần vượt qua những khó khăn khẳng định là một Công ty vững mạnh của TKV.
Năm 2015 Đèo Nai sản xuất 2,105 triệu tấn than, tiêu thụ 2, 94 triệu tấn, doanh thu đạt 2.440 tỷ đồng, tiền lương bình quân 7, 408 triệu đồng/người/tháng
Năm 2016 Đèo Nai sản xuất 1,812 triệu tấn than, tiêu thụ 1, 809 triệu tấn, doanh thu đạt 2.090 tỷ đồng, lương bình quân 7, 11 triệu đồng/người/tháng. Đời sống CBCNV ổn định, yên tâm lao động sản xuất.
Phải nói rằng, trong thời kỳ đổi mới Đèo Nai đã rất thành công trong việc đổi mới công nghệ khai thác, sắp xếp lại tổ chức sản xuất. Việc đào tạo nâng cao cho cán bộ công nhân của Đèo Nai được thực hiện liên tục, thường xuyên, tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân nâng cao trình độ toàn diện, cập nhật nhanh những thông tin mới về tiến bộ kỹ thuật và những yêu cầu ngày càng cao về quản lý kinh tế. Nhờ thực hiện có hiệu quả cao hạch toán kinh tế đến từng phân xưởng, từng tổ sản xuất, thợ mỏ Đèo Nai đã phát huy ý thức trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong từng ca, từng tổ sản xuất, không những tự lo sửa chữa tốt thiết bị xe máy, tiết kiệm vật tư, dầu liệu, điện năng mà mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh công nghiệp, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường cảnh quan nơi làm việc. Trong những năm vừa qua, Đèo Nai đã đầu tư nhiều tỷ đồng để trồng hàng trăm héc ta cây xanh hoàn nguyên môi trường, thu gom chất thải nguy hại, đồng thời luôn chú trọng công tác tưới nước dập bụi trên các tuyến đường trong khu vực khai trường, các đầu đường và ranh giới mỏ do Công ty quản lý. Đặc biệt Công ty đã lập dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực bãi thải Nam Đèo Nai” và được Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) phê duyệt ngày 30/8/2004 với nhiệm vụ: San cắt tầng bãi thải, nạo vét mương suối, xây dựng đê kè chắn đất đá, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, trồng cây xanh... Sau gần 6 năm cố gắng, nỗ lực, đến ngày 1/7/2009 Công ty đã hoàn thành việc cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực bãi thải Nam Đèo Nai, với tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình lên tới 103,8 tỷ đồng. Bãi thải Nam Đèo Nai đã được đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Bãi thải nam Đèo Nai trước và sau khi cải tạo hoàn nguyên Môi trường
Trong từng bước phát triển Đèo Nai đã và đang mạnh mẽ vươn lên toàn diện, tạo cho mình thế đứng mới, tầm vóc mới trong năm 2017. Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chính thức được thành lập 01/8/1960, dù trải qua bao khó khăn, thách thức khốc liệt, Đèo Nai vẫn hiên ngang, kiên cường phát triển vững vàng.
Được sống và làm việc trong một môi trường như thế, tôi rất tự hào mình là một thợ mỏ Đèo Nai. Tôi bỗng nhớ đến những ca khúc rất nổi tiếng về Đèo Nai như “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng, nhưng tôi vẫn thích hơn cả là ca khúc “Lên Đèo Nai” của chú Văn Tích, một thợ mỏ nhiều năm gắn bó với Đèo Nai, bài hát với giai điệu sôi nổi hào hùng và lời ca mộc mạc chân tình.“Lên Đèo Nai sức sống ta cuộn dâng, bàn tay công nhân chiến đấu dưới lòng moong, bao lớp người quyết đem sức mình cống hiến cho Tổ quốc....”
Có lẽ, không mỏ than nào trên vùng than Quảng Ninh có được nhiều ca khúc hay như Đèo Nai, hẳn không chỉ vì hai tiếng Đèo Nai với địa thế đẹp thơ mộng mà còn vì sức sống Đèo Nai luôn mãnh liệt, hào hùng, nơi đã tạo cho chúng tôi niềm tin và nghị lực của những người thợ mỏ Đèo Nai hôm nay./.
Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản