Tin Tổng liên đoàn

Những thách thức đặt ra đối với lao động Việt Nam dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và một số giải pháp

Ngày đăng: 22/8/2017

1. Bối cảnh chung
Sau ba cuộc Cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang phát triển mạnh mẽ và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính là: Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano…Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung – cầu lao động trên thế giới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào năm 2016 tại Thụy Sĩ, các nhà kinh tế và khoa học đã cảnh báo, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Trong một số lĩnh vực, theo dự báo, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Một dự báo của Anh cho thấy, thị trường lao động của Mỹ và Anh sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam chắc cũng sẽ có tình trạng tương tự.
Tại khu vực ASEAN, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) giúp thị trường lao động trong nội khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Khảo sát của tổ chức Lao động Quốc tế tại 10 quốc gia ASEAN cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC. Trong bối cảnh đó, các yêu cầu về trình độ, kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm, thị trường lao động sẽ gặp những thách thức lớn về chất lượng, cung, cầu và cơ cấu lao động. Những vấn đề này không chỉ đe dọa tới việc làm của lao động trình độ thấp mà lao động có kỹ năng bậc trung sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, các kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
2. Một số vấn đề đặt ra đối với lao động Việt Nam
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nguồn lao động trẻ dồi dào là lợi thế lớn của Việt Nam, bởi đây là lực lượng có khả năng tiếp thu nhất về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0 với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, thì Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng lao động. Cụ thể:
Một là, những ưu thế về lực lượng lao động trẻ dồi dào và chi phí thấp của Việt Nam sẽ không còn là thế mạnh. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và Giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc CMCN 4.0. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. Trong 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu người năm 1996 lên 54 triệu người năm 2016. Tuy nhiên, khi máy móc làm thay con người, sự dôi dư nguồn nhân lực sẽ trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai.
Ngược lại, với ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam, theo báo cáo mới đây của Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Ước tính sẽ có gần 80.000 sinh viên CNTT bước vào thị trường lao động trong hai năm, 2017 và 2018, tuy nhiên so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Nếu tính tới năm 2020, số nhân lực thiếu hụt sẽ lên tới hơn 500.000 người. Cùng với đó, các ngành khác như: Điện - Điện tử, Cơ khí, Tự động hóa... cũng đang thiếu hụt nhân lực ngay trong thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai, nguồn nhân lực các ngành này cũng chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu thị trường lao động.
Hai là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới. Nhìn vào cơ cấu lao động theo nghề nghiệp, trong tổng số 54,51 triệu lao động của Việt Nam tính đến quý 1/2017 thì lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 21,52% lực lượng lao động[1]. Theo Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia. Nói cách khác, năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 06 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần 03 người Việt Nam và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn 02 người Việt Nam.
Ba là, tay nghề và các kỹ năng mềm khác còn yếu: Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến quý IV/2016, cả nước có 1.110.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 471.000 người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%). Một phần nguyên nhân là do cơ cấu cung – cầu của thị trường lao động bất hợp lý nhưng một phần không nhỏ cũng là do lao động nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra bảng xếp hạng chỉ số năng suất sáng tạo năm 2014 của lao động ở 24 nước châu Á, trong đó Việt Nam xếp thứ 16/24, thậm chí thấp hơn cả Lào và Indonesia[2].
3. Một số giải pháp
Trước những thách của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn của lao động Việt Nam cũng như đảm bảo việc làm bền vững cần triển khai các giải pháp sau:
3.1. Đối với Nhà nước
– Cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, có cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề nghiệp. Hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển đội ngũ giáo viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên
- Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục – đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước có những điều chỉnh kịp thời về đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn. Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, như: nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; Quản trị nhà trường; Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.
3.2. Đối với các cơ sở đào tạo
– Cần đổi mới tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và phát triển đào tạo trực tuyến sẽ là hướng đào tạo chủ yếu. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.
– Thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục – đào tạo theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học.
– Chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học…
– Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.
3.3. Đối với người lao động
Người lao động cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường lao động để có thể hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch thích nghi. Tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực, cường độ và năng suất lao động nhằm rèn luyện các loại kỹ năng cần thiết và cập nhật thông tin để thích nghi với điều kiện lao động mới. Tích cực, chủ động tìm kiếm các cơ hội tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao và nâng cao ngoại ngữ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường lao động. Chủ động tìm kiếm và tích lũy các chứng chỉ quan trọng để tham gia vào thị trường chung. 
(Nguồn: congdoan.vn)

Chia sẻ bài viết: