Thi đua lao động sản xuất

Thợ mỏ Quang Hanh sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc

Ngày đăng: 11/11/2017

Để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chăm lo tốt đến đời sống công nhân, trong những năm qua Công ty than Quang Hanh đã luôn đổi mới công nghệ khai thác, đào lò; đầu tư đưa giàn chống tự hành, máy khấu than, máy đào lò Com bai, giá chống di động, giàn chống mền, vì chống neo, hệ thống vận tải liên tục, song loan, tầu điện vào sản xuất. Làm theo lời dạy của Bác Hồ “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, mỗi công nhân Công ty than Quang Hanh đang ngày đêm cố gắng lập nhiều chiến công trên mặt trận sản xuất đầy gian nan nhưng cũng đầy thú vị và hào hùng này.


Người thợ mỏ nói về nghề mỏ!

“Người thợ mỏ chúng tôi ngày nay đã không còn nhiều vất vả như  xưa, được chăm lo chu đáo về đời sống, việc làm, sinh hoạt một cách đầy đủ, được đi thăm quan học tập trong và ngoài nước; thu nhập ngày một tăng cao, chế độ chính sách được quan tâm kịp thời; nói tóm lại ngành mỏ ưu việt hơn rất nhiều ngành khác”... 
 
Đó là lời tâm sự của thợ mỏ Lê Văn Phong thợ lò bậc 6/6 (Phân xưởng Khai thác 1) Công ty than Quang Hanh một trong những “Thủ Lĩnh thợ mỏ” đạt mức lương trên 300 triệu đồng/năm (năm 2016) khi được hỏi về cuộc sống của những người làm nghề mỏ ngày nay; và con nhiều lời tâm sự bộc bạch của Thợ mỏ mà nhóm phóng viên chúng tôi đã được nghe khi đến Than Quang Hanh để viết về những người thợ mỏ.

Thợ mỏ Phạm Văn Chiều được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2016):
Gắn bó với nghề mỏ từ những ngày Công ty than Quang Hanh mới thành lập (01/5/2003), với anh Phạm Văn Chiều (Thợ lò bậc 6/6 Phân xưởng KT2), anh coi đất mỏ chính là gia đình thứ hai, là nơi chứa đầy những kỷ niệm với ngành than với đồng đội của mình, gắn liền với mỗi tấn than ra lò; anh đã kể cho chúng tôi nghe về cái duyên gắn bó với nghề mỏ, những kỷ niệm không quên của anh với những hòn than.  
 Quê anh ở Hải Dương, trước khi đến với nghề mỏ, gia đình anh gắn bó với nghề nông, vì mưu cầu cuộc sống, vì hạnh phúc vợ, con, anh lặn lội vào Nam đi làm nương rẫy cà phê. Nhưng rồi mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cũng không khiến anh yên tâm bám trụ, anh đã về quê rồi cùng bạn bè ra đất mỏ mưu sinh, cái duyên với nghề mỏ được bắt đầu từ đấy, anh được đi học nghề công nhân khai thác mỏ, rồi trải qua 14 năm gắn bó với nghề, giờ đây anh đã là thợ lò bậc 6/6. Khuôn mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy sức thuyết phục anh chia sẻ:  Anh đã từng là bộ đội, môi trường quân đội đã rèn cho anh tính kỷ luật, đoàn kết và kiên trì; ở môi trường mới anh càng phát huy được những kinh nghiệm đã có trong quân ngũ, cùng đồng đội vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiêm vụ được giao, với sự cố gắng quyết tâm cao của bản thân, bằng những thành tích trong lao động sản xuất, anh đã nhận được khen thưởng của Bộ Công Thương, hai lần nhận Bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành trao tặng.

Người con Hưng yên Đất nhãn yêu nghề mỏ - anh Bùi Xuân Thoảng:
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Bùi Xuân Thoảng (Hưng Yên) đã “đắm” mình trong những giấc mơ về người thợ mỏ. Theo tiếng gọi của ước mơ, chàng trai Hưng Yên tạm biệt quê hương đến vùng đất mỏ. May mắn được làm công nhân khai mỏ ở Công ty than Quang Hanh, người thanh niên này chẳng màng đến những nhọc nhằn, gian khó, anh vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh Thoảng tâm sự: “Nhớ ngày bắt đầu công việc mới, có rất nhiều bỡ ngỡ, trong đầu tôi đã nghĩ đến tìm việc khác, nhưng rồi nhờ sự động viên của anh em, ngẫm về cảnh quê nhà còn khó khăn chồng chất, cùng với đó là ngọn lửa yêu nghề trong tôi chưa dứt, nên Tôi quyết định ở lại gắn bó với nghề cho đến bây giờ”.

Đã 13 năm vào ra hầm lò, chặng đường dài đã biến anh từ một con người nhút nhát trở nên can đảm hơn. Những gian khó biến mất, đọng lại là tình yêu, một tình yêu thực sự dành cho nghề khai thác mỏ. “Mỗi lần nhìn dòng than chảy, chúng tôi cảm thấy tự hào và sung sướng như “Quê mình”được mùa bội thu; rồi thu nhập của công nhân mỏ ngày càng tăng cao ít cũng 15 triệu đồng/tháng, vào dịp cuối năm mùa khô có tháng đến 20, 25 triệu, mức thu nhập như vậy cũng lo được cho vợ con khá giả, chính điều này cũng một phần giúp chúng tôi gắn bó với nghề hơn”, anh Thoảng chia sẻ với giọng nói đầy tự hào. Chắc có lẽ gia đình mỏ, anh em ở mỏ đã lôi cuốn, tạo động lực để tôi bám rễ với “nghiệp” này. Ai cũng từng có những phút bỡ ngỡ khi làm những công việc mới, ai cũng có phút giây nặng lòng khi nghĩ về quê hương, chính những người đồng nghiệp đã kề vai sát cánh trong hầm lò, và chính những dòng than ngày đêm tuôn chảy đã động viên khích lệ chúng tôi gắn bó với mỏ; Hãy cố lên và rồi hạnh phúc đã đến!” Anh cười.

Phát huy truyền thống Kỷ luật và đồng tâm!
Năm nay những người thợ mỏ phấn khởi kỷ niệm 81 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 – 12/11/2017), không khí thi đua lao động sản xuất đang được nhân rộng tại các công trường phân xưởng trong Công ty than Quang Hanh; những nụ cười phấn khởi mỗi giờ vào, tan ca; những dòng than đen tuôn chảy không ngừng, những mệt mỏi được hòa quyện vào tiếng cười giòn giã cùng với lời ca, tiếng hát đầy khí thế hào hùng: “Khi chúng tôi vào lò, ánh bình minh rạng rỡ… Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại… Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống…” Bản hùng ca người thợ mỏ như thêm động viên, như thêm khích lệ những người thợ ngày đêm hăng say lao động, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc./.
Trường Hải

Chia sẻ bài viết: