Tin Tổng liên đoàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 1.000 công nhân khu vực phía Bắc

Ngày đăng: 21/5/2018

Sáng 20.5, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 1.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các LĐLĐ các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
 
Đây là dịp công nhân được chia sẻ, nói lên nguyện vọng của mình, còn người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe và đưa ra những quyết sách kịp thời, để chăm lo tốt nhất cho người lao động.
 
Công nhân Trần Thị Thanh - Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) đặt câu hỏi:
Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân. Kính mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa này?
 
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Ngọc Dung – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Hiện việc sửa đổi này của Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến người dân. Hội nghị TW7 có chủ trương nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động sống được. Nhà nước quy định mức sàn thấp nhất để các doanh nghiệp thương thảo, không được thấp hơn. NLĐ có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp, thỏa thuận này có sự can thiệp của tổ chức công đoàn. Việc bỏ thang bảng lương dẫn đến “sống lâu lên lão làng”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc cải cách chế độ tiền lương, từ nay đến 2021, ta sẽ cân nhắc tính toán để đảm bảo quyền của NLĐ và các doanh nghiệp.
 
Lắng nghe tâm tư của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng: Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
 
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.
 
Chị Phạm Thị Khuyên - Công nhân Cty TNHH Canon Việt Nam, đặt câu hỏi:
Ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại Khu Công nghiệp. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao. Tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai và Đà Nẵng, tôi đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân.
 
Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại thủ đô. Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Trước những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định TP luôn xác định chăm lo thiết chế công đoàn công nhân trên địa bàn. Trước đó, TP đã xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
 
Ông cho biết: Tại đây chúng tôi cũng đã xây dựng một số nhà ở công nhân, cho thuê với giá 29.000đ/m2/tháng. TP cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào 2 trường mầm non vào khu vực KCN Bắc Thăng Long. Chúng tôi sử dụng ngân sách thành phố, tháng 8 sẽ triển khai nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, với giá từ 200-400 triệu/căn hộ. Bước đầu, TP sẽ giải quyết dần những khó khăn trên địa bàn Hà nội. Chúng tôi cũng giao cho Tổng Cty vận tải tổ chức xe buýt vào tận các KCN. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư tại khu CN Bắc Thăng long, Quang Minh.
 
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng bày tỏ niềm vui vì được gặp gỡ các anh chị em công nhân của các tỉnh, thành đồng bằng Sông Hồng. Thủ tướng hoan nghênh và cảm ơn Tổng LĐLĐVN đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các địa phương trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chuẩn bị và tổ chức chu đáo chương trình, tạo cơ hội cho Thủ tướng được gặp mặt, trò chuyện và trực tiếp lắng nghe ý kiến của công nhân lao động và cán bộ công đoàn.
 
Qua 2 lần gặp gỡ và đối thoại với công nhân ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và miền Trung, Thủ tướng khẳng định đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, được công nhân lao động và cán bộ công đoàn kỳ vọng, mong muốn trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp.

“Chính phủ, các cấp công đoàn sẽ thường xuyên đối thoại để giải quyết được các vấn đề bức xúc của công nhân hiện nay, để từng bước nâng cao đời sống cho công nhân lao động. Chúng ta đã có những thành công trong năm 2017 và có vai trò rất lớn của giai cấp công nhân. Làm sao phải củng cố giai cấp công nhân VN đông về số lượng và mạnh về chất lượng” - Thủ tướng khẳng định.
 
Để buổi gặp mặt, đối thoại đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong anh em công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những  khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải; đồng thời các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và địa phương lắng nghe, nêu giải pháp giải quyết các vấn đề mà NLĐ nêu ra.
 
Tại cuộc đối thoại hôm nay, bên cạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ “đặt hàng” lại chính các công nhân đang trực tiếp sản xuất về những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những giải pháp thiết thực để công nhân lao động thực sự trở thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.
 
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Thủ tướng kết quả 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi, chỉ đạo của Thủ tướng tại 2 lần gặp gỡ công nhân khu vực miền Nam và miền Trung…

Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết sau 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi giữa Thủ tướng với công nhân và kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách, những kiến nghị, đề xuất thiết thực của đoàn viên, người lao động được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt điển hình như chính sách về tiền lương, tình trạng xử lý vấn đề nợ, trốn đóng BHYT, BHXH, người sử dụng lao động bỏ trốn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về lao động nữ…
 
Sau 1 năm triển khai Đề án Đầu tư xây các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn từng bước thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, đó là: Đã xác định được địa điểm, đầu tư tại hơn 20 tỉnh, thành phố, được UBND các địa phương giới thiệu đất và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương, đây là bước đi làm cơ sở chắc chắn đảm bảo hoạt động đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả của đề án. Đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư của 3 dự án tại Quảng Nam, Tiền Giang và Khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam như Thủ tướng đã đi thăm nhà mẫu chiều ngày 19.5.

Với phương châm hành động “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” Chương trình Thủ tướng gặp gỡ CNLĐ các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 với sự tham dự của đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng… với chủ đề: “Năng suất cao hơn, Phúc lợi tốt hơn” thực sự là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn để kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập. 
 
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, tôi kêu gọi anh chị em công nhân, lao động không ngừng vươn lên, tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0... Tôi cũng xin kêu gọi các doanh nghiệp hãy quan tâm chăm lo cho công nhân lao động, xác định công nhân lao động là vốn quý của doanh nghiệp để có chế độ phúc lợi ngày càng tốt hơn…
Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản