Tin Tổng liên đoàn

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu: Công nhân là người tạo ra của cải vật chất cho xã hội

Ngày đăng: 25/10/2018

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, có những kết quả rất đáng mừng, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được, một phần đóng góp rất quan trọng là do những người lao động.
Sáng 24.10, thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đã có những chia sẻ sâu sắc về đời sống công nhân lao động.
 
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, với vấn đề đời sống công nhân lao động, thứ nhất phải xác định họ là những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất xã hội. Có những kết quả rất đáng mừng, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được, một phần đóng góp rất quan trọng là do những người lao động.
 
Trên thực tế, một bộ phận công nhân lao động có đời sống ngày càng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn một bộ phận không nhỏ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như việc làm không ổn định, thu nhập còn thấp, vi phạm pháp luật của giới chủ đối với họ còn rất nhiều.
 
Đặc biệt là tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp phá sản. Người công nhân không biết đi đâu về đâu đang là vấn đề rất đáng quan tâm. Rồi vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi giải trí, đời sống tinh thần của người lao động cũng đang hết sức khó khăn.
 
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu khẳng định, một bộ phận công nhân hiện nay phải làm việc cật lực, thường xuyên làm thêm giờ mới có thu nhập tạm đủ sống. Họ là những người rất dễ chịu tổn thương bởi các chính sách và tác động xã hội; đây cũng là lực lượng dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
 
Vấn đề đời sống công nhân lao động là vấn đề rất lớn, cần Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, chăm lo để người công nhân yên tâm làm việc, cống hiến, xây dựng đất nước.
 
Từ cơ sở thực trạng đó, ông Hiểu nêu ra bốn đề xuất cụ thể:
 
Một là, Chính phủ phải tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về công tác lao động và bảo hiểm. Nhiều địa phương mời doanh nghiệp vào nhưng họ làm việc như thế nào thì không quan tâm, tức là hậu kiểm rất kém. Vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp vi phạm rất thô bạo những quy định của pháp luật nhưng địa phương cũng mặc kệ.
 
“Công đoàn chúng tôi kiến nghị kiện bảo hiểm xã hội thì có những địa phương còn băn khoăn chần chừ vì cho rằng như vậy doanh nghiệp sẽ bỏ mặc địa phương. Đó là nhận thức sai lầm”, ông Hiểu nói.
 
Thứ hai, theo ông Hiểu, trong việc thu hút đầu tư phải tính đến việc lựa chọn. Chúng ta không còn là đất nước thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải hướng tới đầu tư công nghệ cao trách nhiệm xã hội.
 
Thứ ba, dưới góc độ quản lý nhà nước và đại diện giới chủ là Phòng Thương mại Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
 
Thứ tư, các địa phương phải chăm lo cho công nhân thực sự. Một số địa phương có nguồn thu vượt chỉ tiêu nhưng chăm lo cho công nhân rất hạn chế. Do đó cần phải quan tâm đến đời sống của công nhân bởi họ đang là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản