Tin tức

Tham gia CPTPP, người lao động được hưởng lợi gì?

Ngày đăng: 27/11/2018

Tham gia CPTPP, luồng đầu tư vào Việt nam sẽ tăng, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng.

Việt Nam tham gia CPTPP sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách cho doanh nghiệp và NLĐ
 
Ngày 26.11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kinh tế liên bang Thụy Sỹ và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo chính sách Thị trường lao động và sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy khả năng tăng thêm việc làm là khá tốt.
 
Cụ thể đối với CPTPP mặc dù mức việc làm tạo ra chỉ bằng 1 nửa so với TPP, song số việc làm được tạo ra mỗi năm theo tính toán từ năm 2020 trở đi là 17.000 - 27.000 việc làm. Còn đối với các hiệp định thương mại tự do khác, số việc làm tạo ra cũng từ 18.000-19.000 việc làm.
 
Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn.
 
Theo ông Quảng, đây cũng là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.
 
“Việc tham gia CPTPP đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn lao động, trong đó có các quy định về điều kiện làm việc, sự minh bạch về tiền lương và các vấn đề khác. Các doanh nghiệp khi hội nhập sẽ phải đảm bảo phân chia thu nhập của người lao động hài hòa. Như vậy người lao động sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn", ông Quảng phân tích.
 
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, trong Bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những chính sách về thị trường lao động Việt Nam cần được nhìn nhận và đánh giá lại để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
 
"Tinh thần này được thể hiện rõ trong nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp cần được cải cách để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp về các nội dung về quan hệ lao động", ông Diệp nói thêm.
Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản