Thi đua lao động sản xuất

Ứng dụng công nghệ và tự động hóa mang lại hiệu quả SXKD tại Than Nam Mẫu

Ngày đăng: 9/4/2019

Ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, là một trong những chủ trương đúng đắn của TKV, phù hợp với quy luật phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay. Bởi vậy, Ngày 18/7/2017 Tổng giám đốc Tập đoàn đã ban hành chỉ thị 143/CT-TKV “về thực hiện đẩy mạnh ứng dụng tin học hoá, tự động hoá, cơ khí hóa trong SXKD của TKV, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030”.

Bộ phận kỹ thuật nghiên cứu phương án khai thác
 
Thực hiện chủ trương này, thời gian qua Công ty than Nam Mẫu đã triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa, mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ và tự động hóa với môi trường sản xuất hầm lò

Đối với vận tải hầm lò Than Nam Mẫu cho lắp đặt tời cáp treo chở người tại lò giếng và lò thượng V4 để cải thiện việc đi lại cho người lao động. Đưa vào sử dụng hệ thống cân băng tải hầm lò cho các phân xưởng khai thác thay thế hộc đong than. Sau khi đưa hệ thống cân vào làm việc đã mang lại hiệu quả rõ rệt, công tác nghiệm thu than chính xác bởi dữ liệu cân và hình ảnh camera giám sát được truyền trực tiếp về phòng Điều khiển, năng suất tăng (do không phải dừng thiết bị để đóng mở hộc) do đó tăng tuổi thọ thiết bị, giảm hệ số ách tắc. Chuyển hướng vận tải băng tải từ mức + 50 ra MB+125 bằng 03 băng tải xuống hướng vận tải chính tập trung từ mức -50 lên MB+ 125, giảm 3 đầu thiết bị băng tải đã tiết giảm 28 lao động. Hiện nay, Than Nam Mẫu đã sử dụng 100% công nghệ giá khung trong khai thác than.

Công nghệ giá khung trong lò chợ
 
Đối với đào lò, Than Nam Mẫu đã sử dụng các thiết bị đào lò chuyên dụng như: Máy xúc lật hông, máy xúc gầu ngược, khoan khí nén; băng tải tiến gương, máng cào tiến gương. Đặc biệt công nghệ đào lò chống neo tại Than Nam Mẫu được triển khai với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như máy khoan gương; khoan khí nén; khoan xiết neo; máy khoan lấy mẫu; máy rút thử tải neo; máy phun bê tông. Than Nam Mẫu đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ giới hoá đồng bộ đào lò tối thiểu 2 gương và tỷ lệ chống lò bằng vì neo tối thiểu 10% tổng số mét lò. Theo Nghị quyết đã đề ra, Than Nam Mẫu đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trên tinh thần đổi mới tư duy quản lý về công tác cơ giới hoá, cơ khí hoá, tiến tới tự động hoá trong công tác đào lò. Trên thực tế, năng suất lao động năm 2018 của thợ mỏ Nam Mẫu đã tăng 24% so với kế hoạch.

Ứng dụng công nghệ và tự động hóa với môi trường sản xuất ngoài mặt bằng

Thay bằng việc bố trí công nhân sửa chữa nhỏ lẻ tại các đơn vị như trước đây thì từ tháng 1/2016 Than Nam Mẫu đã đưa vào vận hành Xưởng sửa chữa cơ giới hóa tổng hợp để tập trung sửa chữa theo hướng chuyên môn hóa, vừa nâng cao năng lực sửa chữa vừa tiết giảm được 34 lao động. Việc cải tạo lại hệ thống tự động hóa tuyến băng tải từ mặt bằng sàng tuyển +130 ra kho Khe thần từ hệ thống cũ của Trung Quốc hay bị lỗi sang hệ thống mới điều khiển tập trung PLC Siemens có chức năng giám sát tự động, tự động toàn phần đã tiết giảm được 24 lao động. Lắp đặt hệ thống cân điện tử, ô tô dùng barie tự động đóng mở bằng phương pháp nhận diện biển số, cùng với việc đồng bộ tích hợp cân than trên băng tải, cân ô tô tại kho than và các cân băng tải hầm lò đã tiết giảm 42 nhân lực trong các khâu từ kiểm tra giám sát, nghiệm thu hộc đong than đến cập nhật số liệu xuất nhập.

Năm 2018, Than Nam Mẫu đã hoàn thiện hệ thống kiểm soát, quản lý lao động online bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và vân tay, tích hợp mượn và trả đèn lò, quản lý người ra vào lò, quản lý xuất ăn công nghiệp và quản lý quần áo bảo hộ lao động. Tất cả các hệ thống tự động hóa sẽ chuyển dữ liệu về phòng Điều khiển thông qua màn hình ghép 165 inch (gồm 18 màn hình) để kết nối, tích hợp toàn bộ dữ liệu phục vụ công tác điều hành.

Năm 2019, Công ty tiếp tục triển khai công nghệ tự động hóa đối với một số trạm bơm trung tâm, trạm điện, trạm bơm dung dịch hầm lò và tự động hóa vận tải băng tải từ mức -50/+130.

Kết quả từ việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Nếu năm 2014, Than Nam Mẫu có 5.192 lao động thì năm 2018 chỉ còn 4.351 lao động, tiết giảm được 841 lao động. Trong đó lao động phục vụ, phụ trợ giảm 300 người; lao động quản lý giảm 179 người. Đối với những lao động phải chuyển đổi công việc Công ty đã sắp xếp, đào tạo lại và bổ sung cho lực lượng sản xuất chính của các phân xưởng khai thác, đào lò, tăng tỷ lệ lao động sản xuất chính. Số lượng phòng ban, phân xưởng cũng giảm từ 51 xuống 43. Với cơ chế rà soát sắp xếp lại lực lượng lao động, tổ chức bộ máy hợp lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại, Công ty đã quản lý tốt công tác lao động tiền lương giai đoạn từ 2014 đến nay. Nhờ việc sắp xếp lại động hợp lý, phù hợp với năng lực trình độ nên các chỉ tiêu chủ yếu của Công ty giai đoạn 2014 đến 2018 đã tăng trưởng với những con số rất thuyết phục: Năng suất lao động từ 385 tấn/người/năm, đến nay đã đạt 501 tấn/người/năm; huy động lao động từ 81% tăng lên 85%; doanh thu từ 2.595 tỷ đã đạt con số trên 3.215 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ 9,9 triệu đồng tăng lên 14,9 triệu đồng, trong đó thu nhập bình quân của thợ lò từ 12,1 triệu đã đạt con số 19,1 triệu đồng. Đến hết quý I/2019, thu nhập bình quân toàn Công ty đạt 15,7 tr.đồng/người/tháng, trong đó công nhân lò đạt 21,18 triệu đồng.

Theo mục tiêu phương hướng phát triển các doanh nghiệp trong Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam, giai đoạn 2018-2020, mức thu nhập của lao động chính, thợ lò phấn đấu đạt 1.300 USD/tháng nếu làm đủ công và đảm bảo định mức. Vào thời điểm này thì thu nhập bình quân của thợ mỏ khối sản xuất hầm lò của Than Nam Mẫu đạt 20,1 triệu đồng. Bởi vậy Than Nam Mẫu là đơn vị đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần tạo dựng thương hiệu “Thợ mỏ nghìn đô”. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút mạnh mẽ hơn với nghề mỏ./. 
Tống Hải

Chia sẻ bài viết: