Tin tức

Thủ tướng gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao

Ngày đăng: 6/5/2019

Sáng ngày 05/5, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

 
Trong buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019, có 23 công nhân đại diện cho 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao tiêu biểu đã nhận được bằng khen của Tổng LĐLĐVN. Ngoài ra, 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao cũng được nhận phần quà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.
 
 
Đ.c Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV cùng các đại biểu CNLĐ Tập đoàn tham dự Chương trình
 
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vinh dự có 3 gương mặt đại diện cho CNVCLĐ toàn Tập đoàn: Phạm Đình Duẩn – Công ty CP Than Vàng Danh; Lý Anh Chong – Công ty Tuyển than Cửa Ông; Phạm Đức An – Công ty CP than Hà Lầm; Trong đó: công nhân Phạm Đình Duẩn vinh dự được nhận bằng khen của Tổng LĐLĐVN.  

Đây là dịp để những người lao động bày tỏ những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của mình đến lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các ban, ngành nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp, giúp người lao động có môi trường lao động tốt nhất.
 
Thủ tướng khẳng định, lực lượng CNLĐ có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chưa đầy 19% CN có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.
 
“Lênin nói “Năng suất lao động quyết định tất cả”, trong khi chúng ta có dân số vàng, nếu có lực lượng lao động trình độ cao nữa, chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ CN có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ: Tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CNLĐ và chỗ học tập, vui chơi cho CN, con CN.

Thủ tướng đề nghị tổ chức công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho CNLĐ, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ. Quan tâm đến hậu phương của NLĐ để NLĐ xem công đoàn là gia đình thứ hai của mình.

Riêng đối với CN, Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta đều dưới ruộng đi lên, đều cần phải chuyển đổi để thích nghi với sự thay đổi mới, chuyển đổi nghề nghiệp, phải nỗ lực để học tập để có “nghệ tinh” thì mới “thân vinh”.
 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cũng đã nêu bật một số thành tích mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện để đại diện, bảo vệ, chăm lo đời sống của công nhân, lao động như: Đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam sẽ bàn giao 500 căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân, lao động và đang tiến hành các thủ tục xây dựng 35 thiết chế Công đoàn tại 35 khu công nghiệp trong cả nước.
 
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên Công đoàn” có 1,9 triệu đoàn viên được hưởng lợi gần 750 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Công đoàn đại diện khởi kiện tại Tòa án 2.510 vụ; tư vấn pháp luật cho 245.883 lượt đoàn viên, NLĐ, giúp cho hàng chục nghìn đoàn viên, NLĐ được chi trả trợ cấp thôi việc, nâng lương, quay lại làm việc, đóng BHXH… 
 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương thức sản xuất có nhiều đổi mới, nhưng bản chất vẫn là sản xuất công nghiệp, gắn với công nhân và công nghệ. Anh chị em công nhân lao động cần nhìn nhận đây là cơ hội hơn là thách thức nếu mình có nhận thức đúng và bước đi phù hợp. Từ đó xác định, mỗi người công nhân, lao động trong kỷ nguyên số cần phải làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể có.
 
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó thì cuộc gặp gỡ lần này với Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến công nhân, lao động; khẳng định Công đoàn Việt Nam, NLĐ đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước; công đoàn làm gì để đồng hành thực hiện thúc đẩy phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao cả về số lượng, chất lượng? Công đoàn phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ sau: Một là, công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động và cả người sử dụng lao động về vị trí, vai trò của công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nâng cao năng suất lao động. 
 
Hai là, công đoàn tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề của công đoàn theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Tiến hành sắp xếp các cơ sở dạy nghệ hoạt động không hiệu quả để tập trung xây dựng một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.
 
Ba là, tham gia xây dựng chính sách phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao; tập hợp lực lượng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước để phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao về số lượng và chất lượng.
 
Bốn là, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống của công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động kỹ thuật cao nói riêng, nhất là vấn đề về nhà ở, các phúc lợi xã hội khác. 
 
 
 
Thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ các ý kiến hiến kế, đề xuất, kiến nghị của đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao với Đảng và Chính phủ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lấy ý kiến đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao của cả nước và tổng hợp lại.
 
7 nhóm vấn đề, đề xuất kiến nghị gửi đến Thủ tướng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung, với 7 nhóm vấn đề:
1. Kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí
2. Kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, công nhân mỏ ngành than. 
3. Kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
4. Kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, các y, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không.
5. Kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.
6. Kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.
7. Kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.
Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: