Tin tức

Chủ động ứng phó với cơn bão số 3

Ngày đăng: 1/8/2019

Ngày 31/7, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TKV đã có công điện 07/CĐ-BCH yêu cầu các Tổng công ty: Việt Bắc, Khoáng sản, Hóa chất mỏ, Điện lực; các công ty cổ phần: Đồng Tả Phời, Kinh doanh than miền Bắc và các công ty con, đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tổ chức theo dõi diễn biến, chủ động triển khai các phương pháp ứng phó với bão 3.

 
Công điện nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 31/7, áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3 có tên quốc tế Wipha. Hồi 10 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ) giật cấp 10, bão có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Đến 10 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Đây là cơn bão hình thành ngay tại biển Đông, tốc độ di chuyển của bão rất nhanh, hướng đi phức tạp.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TKV yêu cầu các đơn vị tổ chức theo dõi diễn biến, chủ động triển khai các phương pháp ứng phó, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Theo dõi thường xuyên, chặt chẽ diễn biến của bão trên trang website Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (http://www.nchmf.gov.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó.

Đồng thời, các đơn vị triển khai ngay phương án phòng chống mưa bão của đơn vị mình, trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện thuỷ của đơn vị, thông báo và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có bão, neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn. Kiểm tra, củng cố các tầng bãi thải, khai trường, đê đập chắn đất đá, hệ thống thoát nước đảm bảo an toàn, khả năng thoát nước, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở, bồi lấp, ngập lụt khi có mưa; chủ động di chuyển các thiết bị đến vị trí an toàn, đề phòng ngập các moong khai thác lộ thiên; củng cố duy trì đảm bảo an toàn các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng. Kiểm tra bề mặt địa hình phía trên các khu vực khai thác hầm lò, san lấp các khu vực tụ thủy, sụt lún, khe nứt ngăn ngừa nguy cơ bục nước. Củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới.

Cùng với đó, các đơn vị tiến hành rà soát các vị trí, phương án bảo đảm khi có mưa lớn không để bùn đất khai trường đơn vị tràn ra xung quanh, xuống đường giao thông và nhà dân. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, thống nhất phương án, sẵn sàng di chuyển dân cư các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Di chuyển người, thiết bị, tài sản lên vị trí an toàn; hạ thấp tối đa độ cao, giằng néo chắc chắn thiết bị, kho tàng, tài sản, nhất là các thiết bị bốc rót tại cảng, các thiết vị ở vị trí có độ cao lớn.

Tăng cường phủ bạt, củng cố đê bao bảo vệ các kho than và khoáng sản; tính toán chuẩn bị sẵn chân hàng cho các hộ tiêu thụ ngay thời gian sau bão; các nhà máy điện chủ động về lượng than dự trữ đảm bảo đủ số lượng trong và sau thời gian mưa bão.

Thông báo đến tất cả CBCNV trong đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão tại nơi sản xuất và nơi ở. Cảnh báo đến tất cả CBCNV, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đập tràn, đường qua suối khi mưa to; cử người canh gác tại các đường tràn, đập tràn, đường qua suối do đơn vị quản lý.

Song song đó, các đơn vị cần chuẩn bị đủ cơ số dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng nguy cơ vùng bị cô lập trong mưa bão; bảo đảm an ninh trật tự trong và sau bão. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để kịp thời xử lý khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Tổ chức trực ban 24/24h từ ca 3 ngày 01/8/2019 đến khi khắc phục xong các ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các đơn vị chủ động trong việc phối hợp hiệp đồng với các đơn vị liên quan và với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của các địa phương để có giải pháp ứng phó kịp thời các nguy cơ mất an toàn khi mưa bão. Giữ liên lạc thông suốt, thực hiện nghiêm túc báo cáo công tác chuẩn bị và ứng phó trước, trong và sau bão; báo cáo kịp thời các tình huống xảy ra sự cố về Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TKV.
Nguồn: vinacomin.vn

Chia sẻ bài viết: