Chúng tôi trả lời

Doanh nghiệp không trả lương cho NLĐ khi bị TNLĐ ?
Chuyên mục:
Lao động
Người hỏi:
Nguyễn Văn A
Email:
A@gmail.com
Số điện thoại:
02033xxxxxx
Tiêu đề câu hỏi:
Doanh nghiệp không trả lương cho NLĐ khi bị TNLĐ ?
Câu hỏi:
Tôi bị tai nạn lao động tại Công ty B từ 01 tháng nay nhưng công ty không trả lương cho tôi. Vậy tôi phải làm gì để được trả lương theo luật?
Trả lời:
Tai nạn lao động được xác định theo Khoản 1 Điều 142 Bộ luật lao động 2012 như sau:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc”.

Tai nạn lao động phải là tai nạn làm suy giảm ít nhất 5% khả năng lao động.

Nếu anh chị bị tai nạn lao động thì trách nhiệm của người sử dụng khi người lao động bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 144 Bộ luật lao động 2012:

“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong thời gian anh chị bị tai nạn lao động phải điều trị thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả đủ tiền lương cho anh chị.

Ngoài ra, anh chị còn được hưởng các quyền lợi sau theo Điều 145 Bộ luật lao động 2012:

“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao đôngk bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.
 
Việc Công ty không trả lương cho anh chị là vi phạm nghĩa vụ của NSDLĐ.

Theo Điểm m, Khoản 2, Điều 16 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định công ty có thể bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi:

"Không thực hiện chế độ trợ cấp, bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định"
          
Như vậy, nếu Công ty không trả lương cho anh chị thì anh chị có thể nhờ Công đoàn Công ty can thiệp. Trong trường hợp anh chị chưa thoả mãn với giải quyết của Công ty sau khi có can thiệp của Công đoàn, anh chị có thể gửi đơn yêu cầu Hoà giải viên lao động giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân nơi Công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết./.