Công tác Tuyên truyền

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020): Từ phong cách Hồ Chí Minh, nghĩ về phong cách cán bộ công đoàn

Ngày đăng: 15/5/2020

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta di sản tinh thần vô giá, thiêng liêng, vĩ đại - đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được Đảng ta nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội XII.


Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (bên phải ảnh) thăm hỏi công nhân hầm lò. Ảnh: Quang Việt
 
Tấm gương sáng ngời về sự cần, kiệm, liêm, chính
 
Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, phát triển theo logic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy), đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hằng ngày.

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là điển hình của phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ và sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển và có lý, có tình. Về phong cách diễn đạt, Bác có cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng nhưng rất sinh động và hàm lượng thông tin cao; diễn đạt gần gũi với suy nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh ví von, so sánh dễ hiểu; thể hiện sự biến hóa, nhất quán mà đa dạng.

Trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bác luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; luôn nêu gương, làm gương; đi đúng đường lối quần chúng, sâu sát, gắn bó với quần chúng; coi trọng kiểm tra, giám sát.

Ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân, Bác luôn thể hiện sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, chân tình, nồng hậu, tự nhiên, linh hoạt, chủ động, biến hóa; vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách.

Trong sinh hoạt, Bác Hồ kính yêu luôn là tấm gương sáng ngời về sự cần, kiệm, liêm, chính; hài hòa, nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây; luôn gắn bó với thiên nhiên, coi trọng quy luật tự nhiên và tôn trọng con người.

Mỗi cán bộ công đoàn phải không ngừng học tập và làm theo lời Bác

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020), nghiên cứu, thấm nhuần những giá trị phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ công đoàn (CĐ - cán bộ công vận của Đảng), chúng ta nghĩ gì, làm gì?

Trong tác phẩm Dân vận (1949), Bác đặt ra yêu cầu đối với cán bộ dân vận, trong đó có cán bộ công vận chúng ta: “Những người phụ trách dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Lời di huấn thiêng liêng, sâu sắc của Người về cách làm dân vận gợi cho ta nhiều điều phải suy ngẫm.

Phong cách cán bộ CĐ hiện nay có gì chưa ổn?

Một bộ phận cán bộ CĐ còn nặng tư duy bao cấp, hành chính, ngại đổi mới, chậm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của phong trào công nhân và tổ chức CĐ. Nhiều cán bộ CĐ khi tiếp cận quần chúng lao động hoặc nói, viết trong hội họp diễn đạt khó hiểu, nói nghe “êm tai” song nội dung không nhiều, “chữ nhiều, nghĩa ít”, công nhân lao động (CNLĐ) càng nghe càng khó hiểu. Một số cán bộ CĐ chưa thuyết phục được đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ). Cá biệt có trường hợp nói, viết chưa đúng với chủ trương, quy định, gây sự hoài nghi cho NLĐ. Một số văn bản của CĐ còn dài dòng, còn tình trạng quá tải văn bản chỉ đạo.

Một số cán bộ CĐ trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thực hành cần, kiệm, liêm, chính; thiếu gương mẫu, đi đầu; chưa coi trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Cá biệt có nơi xuất hiện tình trạng “quan CĐ”, quan liêu, xa quần chúng lao động, thiếu gần gũi, chia sẻ, còn khoảng cách giữa NLĐ và cán bộ CĐ.

Chúng ta cần phải làm gì?

Trước hết, mỗi cán bộ CĐ phải không ngừng học tập và làm theo lời Bác, phải thấm nhuần sâu sắc phong cách của Người, nhất là lời di huấn về cách làm dân vận như đã nêu.

Thứ hai, phải lựa chọn được cán bộ CĐ thật tốt, thấm đẫm “chất công nhân”. Cán bộ CĐ phải là người trưởng thành từ phong trào CNLĐ, đã kinh qua hoạt động ở các tổ chức chính trị - xã hội hoặc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp dưới, là người từng gắn bó, lăn lộn, am hiểu phong trào CNLĐ và hoạt động CĐ.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ để cán bộ CĐ thực sự là người gắn bó, thấu hiểu và chia sẻ đối với việc làm, thu nhập, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; từ đó nỗ lực tìm mọi giải pháp góp phần tham mưu, thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ tốt hơn.

Thứ tư, đổi mới hoạt động CĐ về mọi mặt, đặc biệt là đổi mới việc ban hành nghị quyết và xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn hệ thống theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động CĐ.

Thứ năm, điều quan trọng, rất quan trọng đó là sự nỗ lực, vươn lên, không ngừng đổi mới sáng tạo của mỗi cán bộ CĐ. Vinh dự là thành viên của tổ chức đại diện NLĐ, mỗi cán bộ CĐ chúng ta phải nhận rõ sứ mệnh và trách nhiệm của mình, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, sâu sát cơ sở và NLĐ. Thường xuyên quan tâm, chăm lo hết lòng và bảo vệ hết sức quyền lợi của NLĐ, vui niềm vui của NLĐ, buồn nỗi buồn của NLĐ./.

https://laodong.vn/cong-doan/tu-phong-cach-ho-chi-minh-nghi-ve-phong-cach-can-bo-cong-doan-805449.ldo
 
NGỌ DUY HIỂU - PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN (BÁO LĐ)

Chia sẻ bài viết: