Trao đổi nghiệp vụ

Thực hiện quy định giám sát trong tổ chức Công đoàn tại Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam

Ngày đăng: 19/7/2018

Giám sát là một trong những phương thức cơ bản để kiểm soát quyền lực, là một yêu cầu tất yếu, khách quan của quá trình thực thi dân chủ. Đó chính là quá trình quan sát, theo dõi, phân tích, nhận định về hành vi của đối tượng bị giám sát, xem có vi phạm những quy định chuẩn mực hay không, để có những điều chỉnh đối tượng thực hiện đúng những yêu cầu chuẩn mực đề ra.

 
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, công tác giám sát bao gồm:

Thứ nhất, giám sát đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân bên ngoài. Để cụ thể hóa chức năng này Đảng đã có Quyết định 217/QĐ-TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, quy định rất rõ nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung của hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mất quốc gia) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình.

Thứ hai, giám sát trong nội bộ của tổ chức Đảng, đoàn thể. Đối với công tác này Đảng đã có Quyết định số 86/QĐ-TW ngày 01/6/2017 quy định về giám sát trong Đảng. Thực hiện các quy định của Đảng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 833/QĐ-TLĐ ngày 17/4/2018  quy định về hoạt động giám sát trong tổ chức công đoàn. Đây là quy định giám sát trong nội bộ tổ chức công đoàn giúp công đoàn các cấp chủ động nắm tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức và cán bộ công đoàn, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Phát huy ưu điểm; hạn chế thiếu sót, khuyết điểm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của công đoàn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động. Thẩm quyền giám sát trong tổ chức công đoàn được quy định như sau:

- Ban chấp hành giám sát: Ban thường vụ, thường trực công đoàn cùng cấp; ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp; ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ công đoàn cùng cấp.  

- Ban thường vụ giám sát: Thường trực công đoàn, ủy ban kiểm tra, các ban tham mưu, giúp việc của công đoàn cùng cấp; tổ chức công đoàn cấp dưới trực thuộc, ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp và cán bộ công đoàn cấp dưới thuộc cấp mình quản lý.

- Ủy ban kiểm tra giám sát: Ủy viên ban chấp hành và cán bộ công đoàn cùng cấp (kể cả chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ); ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực công đoàn cấp dưới; cán bộ công đoàn cấp dưới thuộc diện công đoàn cấp mình quản lý.

Để thực hiện tốt quy định của Tổng Liên đoàn, Công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam cần triển khai một số nội dung chủ yếu:

- Phổ biến tới tổ chức công đoàn , cán bộ công đoàn các cấp về các quy định tại Quyết định 833/QĐ-TLĐ ngày 17/4/2018 của Tổng Liên đoàn.

- Ngoài các nội dung giám sát được quy định tại  Quyết định 833/QĐ-TLĐ, cần chú trọng giám sát đối với người đứng đầu, Tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp trong việc tham gia xây dựng, phối hợp thực hiện,  kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Tùy từng năm, từng thời điểm để xây dựng các chuyên đề giám sát cụ thể phù hợp với các quy định của Nhà nước và Tập đoàn có liên quan đến chế độ chính sách của người lao động.

Về quy trình giám sát:

- Giám sát thường xuyên: Được thực hiện thông qua tham gia các Hội nghị của công đoàn các cấp, tham gia các đoàn công tác, qua báo cáo, qua việc theo dõi hoạt động của các đơn vị được phân công. Công đoàn các cấp thực hiện quy trình, phương pháp này như là một nhiệm vụ thường xuyên của chủ thể giám sát.

- Giám sát chuyên đề: Hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo từng chuyên đề. Có thể thực hiện từng chuyên đề giám sát riêng của tổ chức công đoàn hoặc phối hợp với các đoàn giám sát của các tổ khác trong đơn vị như Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Ban Thanh tra Nhân dân v.v... để tránh bị trùng lắp về đối tượng, nội dung giám sát.

Uỷ ban kiểm tra công đoàn giúp công đoàn cùng cấp lập chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm, là đầu mối tổ chức triển khai thực hiện chương trình đã đề ra./.
Vũ Thị Hải Yến

Chia sẻ bài viết: