Hàng trăm năm trước, người dân khắp nơi về Cẩm Phả (Quảng Ninh) làm công nhân. Trải qua quá trình được tôi luyện, vùng đất này đã hình thành nên những người thợ mỏ vừa hào sảng, quả cảm, anh dũng. Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét qua hình ảnh những nữ công nhân tay cầm máy hàn, tay cầm cờ-lê, trong điều kiện làm việc vất vả nhưng luôn toát lên sự nhiệt huyết, lao động hết mình.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng trăm chiến sĩ khu mỏ đã đứng lên đấu tranh, đình công hoặc trực tiếp tác chiến, trong đó có nhiều công nhân nữ tuổi chỉ vừa đôi mươi. Năm 1966, đơn vị anh hùng đầu tiên của vùng mỏ là Đại đội Nữ tự vệ Nhà sàng của Xí nghiệp Bến Cửa Ông lúc bấy giờ.
Bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban nữ công Công ty Tuyển than Cửa Ông-TKV, cho biết, công ty hiện có 1.566 lao động nữ, chiếm 45,6% trong tổng số cán bộ, công nhân của công ty. Toàn Đảng bộ công ty có 282 đảng viên nữ, chiếm tỷ lệ 31,8%, trong đó có nhiều đồng chí đạt trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; số cán bộ, công nhân có trình độ đại học trở lên, tỷ lệ nữ đạt 40%.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đơn vị, không ít sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong khâu sản xuất chế biến than được phát huy bởi các nữ công nhân. Nhiều chị em đã được Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn khen thưởng như: Chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân phân xưởng Giám định được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; chị Đinh Thị Thắm, công nhân phân xưởng Vận tải được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phút trao đổi công việc của những công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV
Tại Công ty than Quang Hanh, đơn vị chuyên khai thác than hầm lò, công việc vốn đặc thù vất vả hơn so với những đơn vị chế biến khác, năng lực và tinh thần của những "bông hoa" trên mỏ lại càng thể hiện rõ nét.
Chị Vũ Thị Thu Thủy, công nhân cấp phát đèn lò bình tự cứu, là một điển hình. "Công việc của mình bắt đầu từ sáng sớm đến trước giờ thợ lò vào ca để chuẩn bị công tác hậu cần, bảo hộ cho anh em thợ lò. Không kể lễ, Tết, cứ có công nhân xuống lò là mình có mặt. Các chị em ở đây cũng kiêm luôn cải tiến kĩ thuật gia công bình tự cứu và sửa chữa đèn hàng ngày. Khó khăn không ít nhưng mình tự hào vì là một phần không thể thiếu trong quy trình vận hành của công việc", chị Thủy tâm sự.
Chị Vũ Thị Thu Thủy chuẩn bị đèn lò trước khi thợ vào ca
"Chúng tôi có thể bị rám nắng, làn da chẳng mịn màng, phong thái có phần xốc vác nhưng chỉ cần ngành than còn đóng góp cho đất nước, thì dù ở cương vị nào chị em chúng tôi cũng hết mình với công việc". Chị Vũ Thị Nga, chuyên viên văn phòng Công ty than Quang Hanh
Cùng với đó, phong trào văn hóa, văn nghệ công nhân đã trở thành nét đặc trưng của ngành than với nhiều danh hiệu như "Nghệ sĩ vùng mỏ", "Thợ mỏ vẻ vang", "Người thợ mỏ - người chiến sĩ"... Chị Vũ Thị Nga, chuyên viên văn phòng Công ty than Quang Hanh, cho biết, từ khi gắn bó với ngành than, chị cùng nhiều anh chị em tham gia các phong trào nghệ thuật quần chúng. Những lời ca, tiếng hát đã trở thành liệu pháp tinh thần giúp những người công nhân mỏ có thể lạc quan, vượt qua những hiểm nguy, trở ngại trong công việc của mình.
Theo bà Vũ Thị Nhâm, Trưởng ban Nữ công Công ty than Quang Hanh, trong quá trình làm việc, chị em gặp không ít khó khăn trong công việc cũng như sức khỏe. Song, tập thể Ban Nữ công Công ty thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời nắm bắt, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tọa đàm để chị em có sân chơi riêng, nâng cao nhận thức, vai trò của mình trong lao động sản xuất.
Nguồn: phunuvietnam.vn