Tin Tổng liên đoàn

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Công đoàn Việt Nam chủ động đổi mới, quyết tâm vượt qua thách thức

Ngày đăng: 7/11/2018



Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 5.11, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (ĐBQH TP.Hà Nội) thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thống nhất cao vì lợi ích của quốc gia, dân tộc 

 
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: "Tôi đồng tình với việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP vì 4 lý do:
 
Thứ nhất, tờ trình của Chủ tịch Nước và báo cáo của Chính phủ đã làm rõ sự cần thiết, đánh giá sâu tác động tích cực cũng như tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, lợi ích mang lại và những thiệt hại, ảnh hưởng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn, nhiều hơn, toàn cục hơn.
 
Thứ hai, quá trình đàm phán đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cấp có thẩm quyền, thể hiện mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước về hội nhập; các nhà đàm phán là những chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về đàm phán quốc tế.
 
Thứ ba, về kinh nghiệm hội nhập, nước ta đã có kinh nghiệm hội nhập quốc tế trong 30 năm qua, nhất là từ khi tham gia WTO. Trước các hiệp định, thể chế mang tính bước ngoặt, bao giờ cũng có cả sự ủng hộ và băn khoăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm được tích luỹ, với tinh thần và bản lĩnh Việt Nam, với quyết tâm cao, và việc ban hành kịp thời các chương trình, kịch bản sau hiệp định, chúng ta đều vượt qua những thách thức, tranh thủ thời cơ, khẳng định thành công theo từng nấc thang hội nhập.
 
Thứ tư, đối chiếu với hệ thống pháp luật Việt Nam, CPTPP hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
 
Chủ động đổi mới, quyết tâm vượt qua thách thức 
 
Về những thách thức của tổ chức Công đoàn trước việc tham gia Hiệp định CPTPP, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng: "Dưới giác độ của lao động và công đoàn, bên cạnh những thuận lợi, Công đoàn (CĐ) Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn chưa có tiền lệ, đó là sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức CĐ Việt Nam.
 
Sau khi các điều khoản về lao động, công đoàn có hiệu lực, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính. Trong khi tổ chức CĐ Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tổ chức đại diện người lao động chỉ tập trung vào nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ.
 
Bên cạnh đó, sẽ phát sinh những khó khăn khi triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, tổ chức – lãnh đạo đình công.
 
Trước những khó khăn, thách thức như vậy, nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, CĐ Việt Nam sẵn sàng chấp nhận và quyết tâm vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.
 
Thực tế thời gian qua, CĐ Việt Nam đã tích cực đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, khắc phục tư duy bao cấp, hành chính hóa hoạt động công đoàn và bệnh hình thức trong hoạt động; hướng tới việc thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.”
 
Không để các tổ chức khác ra đời vì động cơ chính trị, chống phá đất nước
 
Từ những phân tích, nhận định trên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, để tận dụng cơ hội, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước từ CPTPP, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần:
 
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DN, người dân, các cơ quan, tổ chức về nội dung, về cơ hội cũng như thách thức của CPTPP, định hướng hành động cho các chủ thể liên quan để chúng ta chủ động và tận dụng các cơ hội của CPTPP để phát triển đất nước.
 
Thứ hai, Chính phủ cần khẩn trương, tập trung xây dựng các chương trình, kịch bản sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực để thực hiện theo hướng chi tiết, cụ thể, vừa đảm bảo giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa có tính chiến lược, lâu dài.
 
Thứ ba, trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới, cần phải thiết kế những quy định pháp luật thực sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của chúng ta với các đối tác, vừa linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện. Không để các tổ chức khác ra đời không vì mục đích bảo vệ người lao động mà vì động cơ chính trị, chống phá đất nước và cũng không để các tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại tổ chức CĐ Việt Nam và ảnh hưởng đến quyền lợi của DN và người lao động.
 
Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: