Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than (15/11/1968 - 15/11/2018) và 82 năm Ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2018). Công ty CP Vận tải thủy đã tổ chức đoàn cán bộ, đảng viên CNLĐ tham quan, dâng hương một số địa điểm di tích lịch sử của ngành Than tại Quảng Ninh.
Với mục đích ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ đảng viên, công nhân viên trong công ty hiểu đầy đủ hơn về lịch sử truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than. Đoàn đại biểu của Công ty đã đi thăm và dâng hương các địa điểm, di tích lịch sử:
1. Miếu Mỏ
Năm 1883, người Pháp đánh chiếm vùng than Hòn Gay - Cẩm Phả và ép Triều đình nhà Nguyễn bán vùng than cho họ với giá 400 đồng tiền vàng Mễ Tây Cơ vào năm 1884. Ngày 4/4/1888, Công ty than Bắc Kỳ (SFCT) của tư bản Pháp được thành lập, mở đầu cho việc khai thác than quy mô công nghiệp lớn. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, đây chính là thời điểm ra đời của ngành Than Việt. Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày hội truyền thống 12/11, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam mới kỳ công tìm hiểu đầy đủ khởi nguồn của hòn than Việt Nam khi tìm được sớ tâu của Tổng đốc Tôn Thất Bật và chỉ dụ của vua Minh Mạng tận Cố đô Huế về việc cho khai thác loại “đá cháy”. Ông tổ của thợ mỏ ngành Than có gốc gác tận Đông Triều, gần Yên Tử linh thiêng - nơi vẫn còn thờ Miếu Mỏ và đền thờ Bà Chúa Kẽm (lấy kẽm đúc tiền). Từ đầu thập niên 1820, dân xã Yên Lãng - Đông Triều, thuộc tỉnh Hải Yên đã đào được loại “đá cháy” dùng đốt thay củi, từng đào mười vạn cân nộp về kinh đô. Vua Minh Mạng không muốn bắt dân lao khổ, nhưng Tổng đốc Hải Yên năn nỉ vì mất mùa, dân khó khăn, xin tình nguyện đào than thuê lấy tiền nuôi thân, vua mới chịu ra chỉ dụ cho khai thác và nhắc nhở: “Các người phải thận trọng, chớ sơ suất để an úy lòng trẫm muốn ra ân cho dân”. Đó là ngày 6/12 năm Minh Mạng thứ 20 - Kỷ Hợi (1839) - tức ngày 10/01/1840 dương lịch. Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đã tìm được chính xác nơi khai thác than đầu tiên và lấy ngày Vua Minh Mạng ra chỉ dụ là ngày ra đời của ngành Than Việt Nam là một việc làm có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
2. Tượng đài đồng chí Ngô Huy Tăng
Đồng chí Ngô Huy Tăng, sinh năm 1911 và hy sinh năm 1933. Nhờ sự giác ngộ, giáo dục của người cán bộ cách mạng do Đảng phái đến Vùng mỏ, Ngô Huy Tăng thấy rõ tương lai tươi sáng của giai cấp và dân tộc. Anh bước vào con đường cách mạng bằng công tác tuyên truyền, vận động anh em thợ đoàn kết đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột. Anh gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vào cuối năm 1928 ở Cửa Ông. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, Ngô Huy Tăng vinh dự là người công nhân đầu tiên ở vùng Mỏ trở thành đảng viên Đảng cộng sản khi anh vừa bước sang tuổi 18. Anh nhận nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, chuyển báo chí cách mạng của Đảng cho công nhân xem như: Báo Búa liềm, Tạp chí Công hội, Báo Than. Tin tưởng vào sự nhiệt tình, hăng hái và tinh thần giác ngộ cách mạng, ý thức trách nhiệm trong công việc được giao, cũng năm ấy, Chi bộ quyết định giao nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm trên cầu Poóc tích số 1 tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông để hưởng ứng và Kỷ niệm lần thứ XII Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1929). Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, vinh dự và cũng là trách nhiệm của người Đảng viên, bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, ở nơi đầy nguy hiểm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của kẻ thù, Ngô Huy Tăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao. Vào đêm ngày mùng 6, rạng ngày mùng 7/11/1929, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cầu Poóc tích số 1 trước sự kinh ngạc và hoảng sợ của kẻ thù. Lá cờ đỏ búa liềm là minh chứng cho sức mạnh, sự sục sôi của giai cấp công nhân lúc bấy giờ. Lá cờ mở màn cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc bãi công 12/11/1936 của công nhân vùng Mỏ.
3. Di tích Quốc gia nơi Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai
Sinh thời Bác Hồ đã 9 lần về thăm tỉnh Quảng Ninh, trong đó ngày 30/3/1959 Bác đã về thăm mỏ Đèo Nai và nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường khai thác than Đèo Nai và dặn dò tinh thần, trách nhiệm trong sản xuất than với công nhân. Đây là mỏ than duy nhất được đón Bác về thăm.
Khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Di tích nơi Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai, Công ty CP than Đèo Nai đã triển khai phục dựng nhằm tạo ra một địa chỉ để giáo dục truyền thống công nhân vùng Mỏ cho thế hệ trẻ. Di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia và tổ chức đón Quyết định công nhận tại Lễ kỷ niệm 80 năm Truyền thống công nhân vùng Mỏ- Truyền thống ngành Than diễn ra tối 11/11 tại Quảng trường 30/10 thành phố Hạ Long.
4. Tượng đài 12/11
“Nơi đây, ngày 12/11/1936 mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ đòi quyền sống, quyền làm người và đã giành được thắng lợi rực rỡ, nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất, ý thức kỷ luật và đồng tâm cho muôn đời sau”.
Cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ tháng 11/1936 là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936 - 1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật và đồng tâm”, về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ. Chính vì thế ngày 12/11/1936 đã đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống của công nhân mỏ.
Với ý nghĩa đó, vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công nhân mỏ, tháng 11/1996, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
5. Khu di tích Vũng Đục
Trong những năm 1948-1949, thực dân Pháp đã bắt hàng trăm anh chị em là đoàn viên công đoàn, thanh niên cứu quốc và những người dân khu mỏ yêu nước, chúng cho vào bao tải, dùng thuyền chở ra Vũng Đục và dìm sống họ xuống biển. Trong số họ có người là lãnh đạo cốt cán, có người là quần chúng yêu nước, một số người tuổi đời còn rất trẻ, có người còn đang tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống. Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.
Ngay cạnh đài tưởng niệm là Ngôi đền được xây dựng khá khang trang, quy mô, với diện tích rộng khoảng 3.000m2 trên khuôn viên 11,5ha. Công trình đền thờ các liệt sĩ Vũng Đục là nơi quy tụ linh hồn các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng vùng Mỏ, nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng và là nơi giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ công dân TP Cẩm Phả về tinh thần đấu tranh anh dũng quật cường của cha ông. Đồng thời, ngôi đền cũng gợi nhớ một thời kháng chiến hào hùng mà oanh liệt của lớp lớp thế hệ quân và dân Vùng mỏ kiên cường.
6. Tượng đài vinh danh người thợ mỏ
Công trình Quảng trường 12/11, nơi đặt tượng đài thợ mỏ - thể hiện cho tâm nguyện của bao lớp công nhân vùng Mỏ; Công trình khánh thành vào ngày 20 tháng 4 năm 2010 đúng dịp tỉnh Quảng Ninh kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Khu mỏ 25/4 (1955 - 2010).
Công trình điêu khắc hoành tráng tôn vinh những người con ưu tú của đất mỏ đã có những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tượng đài thợ mỏ cao 15,5m uy nghi tráng lệ bằng đá xanh nằm trên diện tích rộng 3,5 ha. Cụm tượng đài được sáng tác theo lối hiện thực, trong đó nhóm tượng với 3 nhân vật có vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh, gương mặt ngẩng cao thể hiện rõ sự phấn khởi, hồ hởi sau những giờ làm việc và toát lên một niềm tin hướng về tương lai. Trang phục, vật dụng các nhân vật mang theo người như khoan, cuốc...cùng những vỉa than ẩn hiện phía sau, bên dưới tượng thể hiện rõ đặc trưng nghề mỏ.
Hoàng Văn Thương