Chung một quyết định sắt đá
Tháng 7/1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh và ngành Than lần đầu tiên tổ chức một đợt tuyển quân quy mô lớn. Những người công nhân mỏ trước đó được ưu tiên ở lại sản xuất than cho Tổ quốc, nay hăng hái rời công trường, hầm lò, ngưng tay búa, tay máy, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và rất nhiều lá đơn được viết bằng máu, thể hiện quyết tâm tất cả “Vì miền Nam ruột thịt”.
Cựu chiến binh Bùi Duy Thinh, Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than kể lại: Từ năm 1964, vùng than Quảng Ninh có rất nhiều phong trào, điển hình là: Thợ mỏ phất cao cờ hồng, lập công mừng thọ Bác; Vì miền Nam ruột thịt… Riêng ở mỏ than Hà Tu của chúng tôi có phong trào “Trai cơ khí anh hùng quyết lập công mùa thao diễn, Gái thợ mỏ đảm đang sẵn sàng vượt mức thi đua" thế nên ngay khi biết tin tuyển quân, việc thợ mỏ hăng hái tình nguyện vào Nam chiến đấu là một lẽ tự nhiên của giai cấp công nhân mỏ thôi. Nhiều người trong số họ vừa thấp bé lại thiếu cân, sợ không được nhập ngũ còn đeo đá đầy các túi quần khi kiểm tra cân nặng. Điều đó cũng là minh chứng cho tinh thần yêu nước sục sôi và chung một quyết định sắt đá được cầm súng ra tiền tuyến của những người thợ mỏ.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh, động viên Binh đoàn Than lên đường chiến đấu. Ảnh: Quang Sơn (CTV)
Chỉ trong 4 ngày, từ 27/7/1967-30/7/1967, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã huy động, tuyển chọn gần 2.000 thợ mỏ và một số đơn vị khác được tập hợp thành 3 tiểu đoàn, gồm: Tiểu đoàn 385; Tiểu đoàn 386 và Tiểu đoàn 9. Trong đó tất cả các thành viên của Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 đều là thợ mỏ ở khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả với khoảng 1.100 người. Tiểu đoàn 9 là tập hợp quân số của nhiều ngành nghề với khoảng 900 người. Đây là một sự kiện quan trọng với tỉnh Quảng Ninh và ngành Than với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa cả về chính trị lẫn quân sự. Cái tên “Binh đoàn Than” dù không phải phiên hiệu chính thức trong quân đội, nhưng đã được đặt chung cho lực lượng này.
Ngày 30/7/1967, Binh đoàn Than chính thức làm lễ xuất quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và trở thành đợt xung phong tòng quân lớn nhất của tỉnh. Cựu chiến binh Phạm Xuân Thảo vẫn nhớ như in: Lễ xuất quân diễn ra khoảng hơn 4h chiều. Chúng tôi, những chàng lính tân binh nhưng chưa được cấp quân phục, vẫn mặc quần áo thợ mỏ, ngồi suốt từ khu vực Công ty xổ số cho đến Bến phà Bãi Cháy. Khi tập trung anh em chúng tôi rất hào hứng, phấn khởi. Nhân dân Hòn Gai lúc bấy giờ ra sức hỗ trợ, rất nhiều người ra tiễn và động viên, cổ vũ. Có những nỗi niềm khác nhau đã được nhắn gửi giữa người ra đi, người ở lại, nhưng lớn hơn cả chính là tinh thần cách mạng dâng trào trong mỗi người con Vùng mỏ. Tôi đứng trên bến phà nhìn sang Bãi Cháy, hôm đó hoa phượng đỏ rực một màu, nhớ đến quê hương đất mỏ xinh đẹp với truyền thống cách mạng, chúng tôi lại càng căm thù giặc Mỹ, càng đặt quyết tâm cao phải vào Nam đánh sạch giặc Mỹ, chưa hết giặc chưa về quê hương.
Sau buổi lễ xuất quân, những người lính Tiểu đoàn 9 tham gia huấn luyện tại TX Đông Triều và hành quân thẳng vào Kon Tum. Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 huấn luyện tại Hòa Bình, đến tháng 12/1967 thì hành quân vượt dãy Trường Sơn, hướng thẳng tới mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị.
Trong những bước đường hành quân ấy, họ đã đi qua bao nhiêu ngôi làng, qua bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu ngọn núi… dưới tiếng gầm gào của máy bay Mỹ, nhưng những bước chân của người lính Binh đoàn Than vẫn đều đặn và dứt khoát. Tất cả luôn mang theo câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm hành trang, động lực để tiến về phía trước. Trong cuốn nhật ký của mình, cựu chiến binh Nguyễn Bá Sơn (chiến sĩ Tiểu đoàn 9, nguyên chính trị viên tiểu đoàn 406) đã từng viết: “Dù giặc Mỹ có mang cả bom nguyên tử vào đây cũng sẽ không ngăn nổi bước chân của những người thợ mỏ”.
Những chiến công giòn giã
Thông tin về việc thành lập Binh đoàn Than nhanh chóng được phía địch nắm bắt. Nửa tháng sau khi xuất quân, thông tin trinh sát của ta cho biết: Đài BBC loan tin rằng có một binh đoàn đặc nhiệm của Quân đội Việt Nam đang hành quân vào Nam. Thế là giặc Mỹ đã tăng cường lực lượng, ra sức tìm diệt binh đoàn ấy dọc suốt đường hành quân, hòng chặn đứng một lực lượng tinh nhuệ, kỷ luật cao, sức khỏe tốt đang trên đường hướng thẳng về tiền tuyến. Dù vậy cũng không thể cản bước của lực lượng này, bởi động lực của họ chính là phẩm chất kiên trung và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ luôn tỏa sáng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cựu chiến binh Bùi Duy Thinh, Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than trò chuyện với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh về những tháng ngày chiến đấu anh dũng, hào hùng của những người lính Binh đoàn Than.
Sự dũng cảm và nhuệ khí đó được minh chứng trong trận đánh chiếm sân bay Tà Cơn, Quảng Trị năm 1968 trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, tức là chỉ chưa đầy 1 năm sau khi Binh đoàn xuất quân từ Bến phà Bãi Cháy. Vào thời điểm đó, sân bay Tà Cơn là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của Mỹ tại chiến trường Khe Sanh với địa hình như một thung lũng lòng chảo được bao bọc xung quanh những đồi núi. Giặc Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự kiên cố nhất ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm: Làng Vây - Chi khu quân sự Hướng Hóa - cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Các máy bay trinh sát cất cánh từ sân bay Tà Cơn làm nhiệm vụ kiểm tra, chỉ điểm cho nhiều hoạt động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh... Vì vậy, việc tiến công vào cứ điểm Làng Vây được Quân ủy Trung ương xác định là trận đánh then chốt mở đầu Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhằm đạt mục đích chiến lược là kéo và kìm giữ một phần lực lượng cơ động chiến lược quan trọng của địch.
Cựu chiến binh Bùi Duy Thinh, Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than bên bức ảnh chụp cùng những người lính Binh đoàn Than nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến sĩ Binh đoàn Than ra trận.
Trong chiến dịch này, Binh đoàn Than đã đánh chiếm cao điểm 689, 845, 833 và cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí quan trọng. Tổng kết chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968, Binh đoàn Than đã góp sức cùng toàn quân và dân miền Nam tiêu diệt 20 vạn tên địch, trong đó có 7 vạn tên Mỹ, phá hủy 3.400 máy bay, 500 xe quân sự, 4.000 khẩu pháo các loại, giải phóng cho 16 vạn dân và mở rộng vùng căn cứ cách mạng.
Sau tổng tiến công Mậu Thân 1968, những chiến sĩ Binh đoàn Than vốn là quân công nghiệp, có tính kỷ luật cao nên được chia ra bổ sung cho các chiến trường. Những người lính Binh đoàn Than bắt đầu phân tán theo từng trung đội, tiểu đội để về đơn vị mới. Khi được biên chế lại, những người lính Binh đoàn Than đã thực sự trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Họ tham gia rất nhiều trận đánh lớn ở Tây Nguyên, Đắc Uy, Tân Cảnh…
Cựu chiến binh Trần Đình Diễn kể: Chúng tôi được bổ sung củng cố vào Tiểu đoàn đặc công 406, có nhiệm vụ thọc sâu, bám sát thắt lưng địch ở ngay cơ quan đầu não của chúng tại Bắc Tây Nguyên. Lúc đó lính đặc công ăn uống sinh hoạt thiếu thốn, quần áo không đủ mặc, lại thêm sốt rét hành hạ nhưng chiến đấu thì vô cùng anh dũng. Các chiến sĩ luôn động viên nhau bám đất luồn sâu, đánh kiểu nở hoa trong lòng địch, bao vây nhiều cứ điểm quan trọng ở Tân Nguyên. Mỗi lần xuất kích là một lần lao vào cuộc chiến ác liệt nên nhiều trận anh em được làm lễ truy điệu sống trước lúc lên đường.
Tinh thần quả cảm, không do dự khi bước vào mỗi cuộc chiến của những người lính Binh đoàn Than đã tiếp thêm niềm tin vững chắc cho quân và dân ta, mang lại nhiều chiến công vang dội. Điển hình như trận đánh vào tận sào huyệt Quân cảng kho xăng Nhà Bè do đồng chí Nguyễn Đức Bình (công nhân mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội đã tiến hành tiêu hủy hàng vạn lít dầu của địch. Hay như trận đánh cứ điểm cầu Mương Chuối (tỉnh Long An) do đồng chí Lê Xuân Ba chỉ huy; trận đánh trên sông Rạch Dừa do trung đội trưởng Lại Ngọc Nhiếp (công nhân mỏ Thống Nhất) dũng cảm mưu trí, cùng đồng đội bắn chìm 1 tàu chiến của Mỹ - Ngụy; chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (công nhân Tuyển than Hòn Gai) cùng đồng đội bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới… Tất cả đã khiến cho cái tên Binh đoàn Than ngày càng lừng danh và làm kẻ thủ không khỏi khiếp sợ.
.jpg)