Công tác An toàn vệ sinh lao động

Công ty Kho vận Đá Bạc chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, PCCN

Ngày đăng: 16/4/2024

Với nhiệm vụ được giao vận chuyển phục vụ nhập và tiêu thụ than theo loại hình vận tải có nguy cơ cao về công tác an toàn là đường sắt và băng tải. Do vậy, Công ty Kho vận Đá Bạc luôn xác định công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là mục tiêu số 1 trong sản xuất và triển khai với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Công ty luôn xác định công tác huấn luyện, tuyên truyền giáo dục về AT-VSLĐ là việc làm hết sức quan trọng. Do đặc thù điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể cháy nổ, sự cố tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Chính vì lẽ đó, người lao động trong Công ty không những được đào tạo kỹ lưỡng ban đầu mà còn phải thường xuyên được huấn luyện và đào tạo lại về kỹ thuật, kỹ năng lao động và an toàn để nâng cao ý thức thường trực trong việc thực hiện các quy trình quy phạm trong quá trình sản xuất.


Công tác AT-VSLĐ luôn được quan tâm tại tất cả các vị trí sản xuất

Xác định đội ngũ ATVSV là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, Công ty rất quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ATVSV; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng và phương pháp hoạt động. Hàng năm có từ 40 - 50 kiến nghị về các mặt công tác như kỹ thuật an toàn, điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Nhờ hoạt động của mạng lưới ATVSV, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được người sử dụng lao động kịp thời điều chỉnh nên góp phần không nhỏ ngăn chặn, giảm thiểu, hạn chế các sự cố mất an toàn trong quá trình sản xuất.

Do yêu cầu nhiệm vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất được chú trọng, với việc đầu tư đổi mới về công nghệ, thì yêu cầu xây dựng đội ngũ lao động phù hợp với trình độ công nghệ ngày càng cấp thiết, đảm bảo cho sự tăng trưởng vững chắc của Công ty, đồng thời, đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị và con người trong quá trình sản xuất. Việc đào tạo, đào tạo lại và bồi huấn cho các đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác an toàn, cán bộ và công nhân vận hành sử dụng thiết bị theo định kỳ… được Công ty coi là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tự phòng tránh TNLĐ, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về an toàn tại các vị trí sản xuất khác nhau.

Bên cạnh đó, không ngừng đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, đầu tư trang thiết bị an toàn hiện đại vào sản xuất như: hệ thống chống lái máy ngủ gật, hệ thống giám sát hành trình chạy tàu, hệ thống GPS trên phương tiện vận tải, hệ thống camera tại các kho than, các hiện trường sản xuất, hệ thống cấp phát xăng dầu tự động... nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và nâng cao mức độ an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Nội dung huấn luyện chú trọng đối với người lao động đó là: Nội quy an toàn lao động, vệ sinh lao động; điều kiện lao động, các yếu tố nguy hiểm, độc hại gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và biện pháp phòng ngừa; những kiến thức cơ bản về kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động; công dụng, cách sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân; các biện pháp tự cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; những quy định cụ thể về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; đặc điểm sản xuất, quy trình làm việc và các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động bắt buộc người lao động phải tuân thủ khi thực hiện công việc.

Đối với người sử dụng lao động, nội dung huấn luyện, đào tạo được truyền tải qua các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động; các quy định của pháp luật về chính sách, chế độ BHLĐ; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; các quy định cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động; các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; các biện pháp cải thiện điều kiện lao động…

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ-PCCN cũng phải đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân về ATVSLĐ, áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền như panô, áp phích, tranh vẽ về an toàn phát hành rộng rãi cho các đơn vị treo ở nơi sản xuất, các nhà giao ca.

Hàng năm, Công ty tổ chức nhiều đợt kiểm tra về AT-VSLĐ-PCCN theo nhiều hình thức: Kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy phạm, biện pháp kỹ thuật an toàn và hiện trường sản xuất ở tất cả các đơn vị; kiểm tra trước và sau mùa mưa bão; kiểm tra chéo giữa các đơn vị; các đơn vị tự kiểm tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị lập hệ thống giám sát và tổ chức giám sát ATLĐ; phối hợp với Công đoàn, Đoàn TN kiểm tra việc thực hiện các nội dung thi đua đảm bảo AT-VSLĐ trong sản xuất. Vì vậy nhiều năm Công ty không để xảy ra tai nạn lao động nặng và sự cố nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, đã trang bị BHLĐ cá nhân đầy đủ và chất lượng cho người lao động theo đúng chế độ quy định của Nhà nước đối với từng ngành nghề; các máy móc phục vụ cho công tác AT-BHLĐ được mua sắm đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm và độc hại; thực hiện tốt các chế độ bồi dưỡng độc hại, ăn định lượng, tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động; các công trường sản xuất đều được đo đạc, khảo sát đánh giá tác động môi trường, từ đó tập trung giải quyết các yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động như: bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, nhiệt độ...

Với mục tiêu an toàn là số 1 trong sản xuất, từ các hoạt động cụ thể này đã giúp nâng cao nhận thức của người lao động, góp phần quan trọng vào hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu Tập đoàn giao, giúp người lao động luôn tin tưởng và yên tâm phục vụ sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Thuý Quỳnh

Chia sẻ bài viết: