Chúng tôi trả lời

Những trường hợp bị thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
Chuyên mục:
Bảo hiểm
Người hỏi:
Nguyễn Văn A
Email:
A@gmail.com
Số điện thoại:
0934567xxx
Tiêu đề câu hỏi:
Những trường hợp bị thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
Câu hỏi:
Xin hỏi, trường hợp nào thì người dân bị thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế. Nếu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác để đi chữa bệnh thì bị xử phạt thế nào?
Trả lời:
Điều 20 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế như sau:

1. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;

b) Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế;

c) Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.

2. Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 84 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm quy định về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

1. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế (nếu có) đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Như vậy, thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị thu hồi, tạm giữ trong trường hợp nêu trên. Còn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác để khám bệnh, chữa bệnh có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.