Tăng lợi ích cho đoàn viên và người lao động
Ngày đăng: 26/10/2016
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất LĐ của VN thuộc nhóm thấp ở Châu Á - TBD. Điều kiện LĐ tuy được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Đối thoại xã hội, đặc biệt đối thoại ở DN còn mang tính hình thức. Điều đó cho thấy cần nỗ lực đồng bộ, trong đó có vai trò quan trọng của CĐ để hướng tới tăng năng suất LĐ, cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn. Các CBCĐ cho rằng, để tăng năng suất LĐ, vấn đề cốt lõi với các DN và tổ chức CĐ là tăng lợi ích cho đoàn viên CĐ và NLĐ.
Lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm
Ông Chang- Hee Lee - Giám đốc ILO tại VN - nhận định: “Để một nền kinh tế mở cửa có thể duy trì tính cạnh tranh đồng thời đảm bảo sinh kế ổn định cho nhóm dân số trong độ tuổi LĐ, cần phải có một môi trường phát triển DN bền vững cũng như các thiết chế thị trường LĐ linh hoạt nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cú sốc bên ngoài đối với đời sống của NLĐ”. Ông Chang-Hee Lee cũng cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) mà VN là một bên liên quan, yêu cầu VN phải cải tổ Bộ luật LĐ và quan hệ LĐ theo Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong LĐ.
Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, để góp phần tăng cường đối thoại xã hội, năng suất LĐ và cải thiện điều kiện việc làm tốt hơn cho NLĐ phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của tổ chức CĐVN là phải đổi mới tổ chức hoạt động CĐ các cấp theo hướng lấy đoàn viên và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ. Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên và NLĐ. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCĐ chuyên trách theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa. Cơ cấu lại nguồn lực tài chính, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐ trong tình hình mới và trực tiếp mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, NLĐ. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, CĐ cần đổi mới hệ thống tổ chức của mình từ cấp Tổng LĐ tới cấp cơ sở; đổi mới công tác CBCĐ; đổi mới nhiệm vụ của CĐ các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả vì đoàn viên và NLĐ; đổi mới phương thức hoạt động CĐ. Trong đó, Tổng LĐ và CĐ cấp tỉnh phải đổi mới cách thức xây dựng chủ trương hoạt động theo hướng rõ mục tiêu, cách thức thực hiện, kiểm soát việc thực hiện, tổng kết cụ thể, kết quả lợi ích đối với số đông NLĐ… CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ. CĐCS tăng cường trao đổi thông tin với đoàn viên, NLĐ; xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa BCHCĐ với người sử dụng LĐ dưới nhiều hình thức với mục tiêu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề bức xúc của NLĐ.
Cần sửa đổi quy định của Bộ luật Lao động
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, để xây dựng quan hệ LĐ hiệu quả nhằm tăng năng suất LĐ và cải thiện điều kiện việc làm tốt hơn cho NLĐ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vấn đề cần thực hiện là sửa đổi, bổ sung Bộ luật LĐ năm 2012 theo hướng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy thị trường LĐ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật LĐ năm 2012 phải đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Hiến pháp và yêu cầu của hội nhập quốc tế… Theo ông Lợi, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật LĐ năm 2012 phải khắc phục được những bất cập từ thực tiễn áp dụng bộ luật này, trong đó quan tâm về một số nội dung như: Hợp đồng LĐ; tiền lương; xử lý kỷ luật LĐ; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; giải quyết tranh chấp LĐ và đình công; vấn đề tuổi nghỉ hưu; các quy định còn thiếu so với những cam kết của VN trong các hiệp định song phương, đa phương và những tiêu chuẩn phổ quát của một thị trường LĐ được VN thừa nhận; bãi bỏ những hạn chế quyền của NLĐ và tập thể LĐ trong quan hệ LĐ; các quy định để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật LĐ...
Chia sẻ bài viết: