Ngày 17.5, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Cán bộ Công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)
Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – chủ trì buổi tọa đàm.
Đến dự buổi tọa đàm còn có đồng chí Nguyễn Phước Lộc – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cán bộ công đoàn các cấp.
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã xây dựng nền móng, sáng lập và rèn luyện tổ chức Công đoàn Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp luôn cần quan tâm sâu sắc 5 vấn đề lớn thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác công đoàn và phong trào công nhân. Nhất là, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn không những phải “giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế”; “phải thực sự lao động” và gần gũi công nhân, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”[1]. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?...Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thực sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng[2] .
Hai là, giáo dục, tuyên truyền, hội họp phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc “ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”[3]. Công đoàn sinh hoạt phải thường xuyên, thiết thực, hoạt bát và vui vẻ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, cần bớt giấy tờ, hội họp lu bù.[4]
Ba là, cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt.[5] Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, “công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt hay không”[6].
Bốn là, các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; lấy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.
Năm là, Công đoàn là một bộ phận của hệ thống chính trị nên tổ chức, hoạt động của Công đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn phải giúp công nhân vào Đảng; giúp bảo vệ, phê bình và phát triển Đảng. Đảng mạnh tức là dân mạnh, công nhân mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh thì Đảng mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi.[7]
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định, 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Đảng.[8] Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với người lao động, doanh nghiệp, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng chống dịch covid 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giảm thiểu thiệt hại, bước đầu kiểm soát thành công đại dịch Covid 19 và chuyển sang khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội.
Tại buổi Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã gợi mở một số vấn đề để cán bộ công đoàn nghiên cứu, thảo luận thêm và suy nghĩ cách thức học, làm theo phong cách của Bác trong hoạt động của mình. Đó là, tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động. Lựa chọn nội dung thật cụ thể, thiết thực để triển khai sâu rộng trong các cấp công đoàn, nhất là đối với đội ngũ cán bộ công đoàn.
Từ những mô hình, kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức Công đoàn, các cá nhân lan tỏa nội dung học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ công đoàn; để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục thấm sâu từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến lời nói, chữ viết (phong cách diễn đạt) và tổ chức thực hiện (phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt) của cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam cần đặc biệt thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” để quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp; lựa chọn cán bộ công đoàn là những người phải trưởng thành từ phong trào công nhân, viên chức, người lao động, từ cấp ủy và các tổ chức đoàn thể; hiểu người lao động, trăn trở vì người lao động, đi sâu, đi sát với cơ sở và uy tín với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn bám sát thực tiễn cơ sở, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của công nhân lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, hướng trọng tâm về cơ sở, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo người lao động đóng góp trí lực, sức lực của mình cho sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, UVTW Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN báo cáo đề dẫn
Báo cáo đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, cho biết phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 90 năm qua đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động. “Trước tình hình mới, người cán bộ công đoàn phải học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn; làm việc trong một môi trường mới với phong cách mới để giành được niềm tin của người lao động đối với tổ chức Công đoàn”, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị.
Đồng chí Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tham luận
Tham luận tại Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày khá sâu sắc, đậm chất thực tiễn trong việc làm theo phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ công đoàn, đúc rút nhiều kinh nghiệm, tổng kết nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, như: bài học về gần gũi, lắng nghe đoàn viên, người lao động và phát triển cao hơn là hiện thực hóa mong muốn của đoàn viên, người lao động thông qua chương trình “Điều ước đoàn viên công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi cũng khá ấn tượng bởi phong cách làm việc “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” của cán bộ công đoàn cơ sở ở Hà Nam hay sự linh hoạt, chủ động “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động trước tòa án của Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng; các mô hình, cách làm hay của các trung tâm lớn về công nhân, công đoàn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã khái quát 4 vấn đề quan trọng, đó là: Cán bộ công đoàn gắn bó mật thiết với quần chúng lao động, thực hành nhuần nhuyễn phong cách “Nói đi đôi với làm”, coi trọng dân chủ, thực hành dân chủ và thực hành phong cách của người cán bộ lãnh đạo.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN báo cáo tổng kết Tọa đàm
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) “Các chú nhớ là phải làm cho cán bộ thật đoàn kết nhất trí, không xa rời quần chúng. Phải thấy trách nhiệm vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng mà làm, chứ không phải vì cá nhân. Làm đúng như lời dạy của Lê nin vĩ đại: giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt mình. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị “cán bộ công đoàn đề cao trách nhiệm thực hành phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động, trong cuộc sống, góp phần tạo nên đạo đức của người cán bộ công đoàn; làm cho hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn; gắn bó chặt chẽ, mật thiết với quần chúng lao động, một lòng phấn đấu vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo người lao động”.
Nguồn: congdoan.vn
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 634.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 128.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 684.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 434.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 119.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 120.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 117.
[8] Xem thêm Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII ngày 25-9-2018.