Đời sống - Xã hội

VỢ THỢ LÒ

Ngày đăng: 12/2/2017

Nghề thợ mỏ, đặc biệt thợ lò là nghề vất vả, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Đôi khi còn phải hy sinh xương máu bởi rủi ro luôn rình rập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Trên mặt trận sản xuất “vàng đen” cho Tổ quốc, những người chiến sỹ thợ mỏ không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đã lập nhiều chiến công to lớn cho sự ổn định, bền vững và phát triển của đất nước. Phía sau những chiến công ấy là hậu phương vững chắc, thân thương - Vợ thợ lò, người đã quan tâm, chia sẻ, động viên để các anh yên tâm với tinh thần tốt nhất bước vào một ca sản xuất mới.

Gia đình anh Đỗ Văn Tuận – Thợ lò phân xưởng KT3 – Công ty Than Thống Nhất
Thợ lò đa phần là người từ các vùng quê khác đến đất mỏ làm việc. Do đặc điểm của ngành mỏ nên ít chị em nữ. Lại thêm cách sống giữa phố thị và nông thôn khác nhau, nên anh em thợ lò phần lớn về quê lấy vợ. Họ cũng không có khả năng đưa gia đình ra đất mỏ cùng sinh sống vì không tìm được việc làm cho vợ. Nơi tôi ở gần khu tập thể thợ lò và cũng là xóm có các gia đình thợ mỏ Công ty Than Thống Nhất – TKV sinh sống. Tôi cảm nhận rõ sự khác nhau trong sinh hoạt của những anh có gia đình tại Cẩm Phả và những anh vợ con ở quê. Các anh có vợ con ở đây, dù phải thuê nhà hoặc số ít có nhà tập thể dành cho hộ gia đình thì được vợ chăm sóc kỹ lưỡng đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Cùng cảnh chị em phụ nữ, chị Điệp vợ anh Nam thợ lò phân xưởng Khai thác 12 tâm sự: Hai vợ chồng có hai con nhỏ, nên vợ chưa có điều kiện đi làm, cả gia đình chỉ trông vào lương của anh Nam. Chồng đi làm về mệt mỏi, chị chủ động làm mà không nhờ anh làm việc nhà. Anh đi ca 3 về, xóm lại ồn ào tiếng trẻ con, Chị cũng không ngần ngại nhắc nhở giữ yên lặng để chồng có giấc ngủ say tối còn đi làm. Cơm thì cũng phải có chế độ thức ăn riêng để anh còn có đủ sức khỏe đi làm vì làm lò nặng nhọc, mất sức nhiều lắm… Chị Loan vợ anh Mạnh phân xưởng Khai thác 6 cũng chia sẻ: Mọi người cứ nghĩ lấy chồng thợ lò thì sướng lắm vì cứ đến tháng vợ đi lĩnh sấp tiền dầy cộp bằng mấy lần lương của nghề khác, Chồng đi làm về quần áo tươm tất, sạch sẽ, sơ vin đóng thùng. Sướng thì cũng sướng thật nhưng ngày nào vợ con cũng lo lắng, khi nào thấy chồng về đến nhà mới yên tâm được.
Chị Thúy vợ anh Tuận thợ lò phân xưởng Khai thác 3 là người đặc biệt luôn kề vai sát cánh bên chồng. Những mốc thời gian quan trọng trong công việc của anh, chị “nắm vững” và còn “nhớ chuẩn” hơn cả chồng. Anh Tuận chân thành chia sẻ: Thật tốt khi gia đình anh chị xây được nhà trên đất của bố mẹ để lại ở Cẩm Phả. Gia đình anh đều ở đây, ở nhà có vợ hiền đảm đang chăm lo việc nhà và chăm sóc người cha già cùng 2 con nhỏ. Vợ luôn là người cùng anh trút bầu tâm sự, Chị ân cần động viên, chăm sóc để anh có sức khỏe cả về vật chất và tinh thần. Anh rất yên tâm làm việc. Mọi dấu ấn quan trọng trong cuộc sống và công việc của anh đều có hình bóng của chị. Vừa qua nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Đinh Dậu 2017, gia đình anh rất vinh dự khi được Lãnh đạo Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đến thăm và tặng quà. Đồng chí Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TKV đã ghi nhận: công lao của chị Thúy là rất lớn, là hậu phương vững chắc để anh Tuận có thể lao động giỏi, đạt được nhiều thành tích xuất sắc như ngày nay. Với anh, chị Thúy là người người bạn đời không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Trong khi đó, các anh vợ con ở quê thì có chút khác. Thỉnh thoảng vợ con mới ra thăm, mà chủ yếu các anh về quê thăm gia đình là chính. Tôi nói chuyện với chị Nhâm, vợ anh Đạo thợ lò phân xưởng Khai thác 2 ra tập thể thăm chồng. Chị tâm tình: Ngày trước anh nhà cứ độ hai tuần về quê một lần, đi lại mất nhiều thời gian nên cứ tan ca 3 cuối tuần, ăn cơm công nghiệp xong là vội vàng bắt xe về quê. Mệt quá lên xe là ngủ tít, đến bến phụ xe gọi anh mới tỉnh. Chị nấu các món ngon mà anh thích để tranh thủ bồi bổ cho chồng, bù những lúc ngoài này không ai chăm sóc. Ở nhà được hơn một hôm thì sáng sớm lại phải đón xe để ra đi làm. Thật là cũng rất mệt mỏi và tốn kém, nhưng vì điều kiện không thể nào chuyển vợ con ra ngoài này được nên đành chịu vậy. Thương chồng lắm, ngày nào vợ chồng con cái cũng điện thoại nhưng không được tận tay chăm sóc anh nên không an tâm chút nào. Bây giờ Giám đốc Công ty đã cho xây dựng “phòng hạnh phúc”, chị vui lắm. Chị được ra thăm anh, Anh cũng không phải đi lại nhiều như trước nữa, mà cũng đỡ ngại anh em cùng phòng phải đi “sơ tán”.
Có chị còn kể, nhiều chị ở quê còn chưa ra đây, không biết được công việc, cuộc sống các anh ngoài này như thế nào. Ở nhà cứ tưởng tượng chồng đi chỗ nọ, chỗ kia chơi bời, cờ bạc đàn đúm. Các chị ấy ngưỡng mộ lắm chuyện chị vợ anh nọ được đi tuyên dương gia đình thợ lò xuất sắc, được đi thăm cơ quan và nơi anh làm việc. Chị vợ bảo yên tâm hẳn, nhìn thấy các anh thợ lò mặt đen nhẻm, người ướt sũng bùn than chỉ thấy ánh mắt và hàm răng trắng. Thế mới thấy thông cảm, thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của chồng mình.
Hiện nay, Giám đốc và Công đoàn Công ty than Thống Nhất rất quan tâm đến đời sống thợ mỏ. Không chỉ về thu nhập, điều kiện sản xuất tốt hơn như đầu tư áp dụng công nghệ mới… mà còn quan tâm sát sao đến đời sống tinh thần thợ mỏ, đến chất lượng cuộc sống của thợ lò ở tập thể. Như ăn cơm tự chọn, nhà tập thể cao tầng khang trang, có trang bị wifi phát sóng liên tục, có thư viện đọc sách và truy cập internet, ngủ có điều hòa mát lạnh. Trang bị ti vi màn hình lớn tại các phòng nhật lệnh để anh em được biết các thông tin. Có chế độ đặc biệt cho những thợ lò ngày công cao được trợ cấp tiền xe về quê. Có xe đưa đón gia đình về quê ăn tết… và rất nhiều chế độ đãi ngộ rất tốt.
Nhưng thợ lò vẫn thiếu bàn tay người phụ nữ chăm sóc, thiếu người vợ đốc thúc nghỉ ngơi đúng giờ, ăn đúng bữa, giúp quản lý kinh tế... Một số anh em sa đà vào các quán sá, chơi game, ham chơi quên nghỉ ngơi nên nghỉ làm ngày hôm sau. Rồi còn cờ bạc dẫn đến nợ nần phải bỏ việc… rất nhiều hệ lụy. Đó là tình trạng chung của các Công ty trong ngành than. Tôi thầm nghĩ: Nếu có ngành phục vụ song hành cùng ngành than, ở gần các mỏ sản xuất như Công ty may mặc chuyên may quần áo bảo hộ lao động, quần áo đồng phục cho học sinh hoặc sản xuất, chế biến thủy hải sản, hoa quả, thực phẩm đóng hộp, ngành nghề thủ công mỹ nghệ… để cho vợ thợ lò được ra ngoài đất mỏ làm việc bên cạnh chồng thì tốt biết mấy. Chắc chắn các anh sẽ yên tâm an cư lạc nghiệp tại đây. Ngành than sẽ giải quyết được tận gốc việc thu hút và giữ chân thợ lò - vấn đề từ lâu làm đau đầu các nhà Lãnh đạo.
Thợ lò cần sự cảm thông, sự tôn vinh của xã hội. Nhưng cần hơn cả đó là hậu phương của họ thấu hiểu, chia sẻ với nghề nghiệp và quan tâm chăm sóc kịp thời để họ yên tâm và tái tạo sức lao động sau mỗi ca sản xuất, “Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt là bóng dáng của người phụ nữ”. Hãy để thợ lò là những người thành đạt trong công việc và cuộc sống của chính mình và hậu phương vững chắc - vợ thợ lò - người âm thầm đứng sau cổ vũ họ chính là động lực mãnh liệt giúp họ thêm quyết tâm thực hiện ước mơ./.
Nguyễn Huyền

Chia sẻ bài viết: