Thi đua lao động sản xuất

Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Ngày đăng: 3/12/2020

Những năm gần đây, Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam luôn xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo là điều kiện tiên quyết để xây dựng và đáp ứng đội ngũ lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Căn cứ thực tế cụ thể về đối tượng tuyển sinh, Trường đã xây dựng các giải pháp, phương án nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với từng giai đoạn, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp và Tập đoàn TKV.

Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Lớp thực hành nghề kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò tại Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, nhiệm vụ chính của Trường đó là đào tạo, cung cấp lao động kỹ thuật theo kế hoạch dài hạn và nhu cầu của các doanh nghiệp trực thuộc TKV. Vì thế, Trường luôn chủ động trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược chuẩn bị nguồn cung cấp lao động cho TKV lâu dài và bền vững. Xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm kết nối chính sách tuyển dụng, đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp trong TKV với thị trường nhân lực tại các địa phương; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ hữu cơ doanh nghiệp - nhà trường - địa phương để đảm bảo nguồn cung nhân lực có chất lượng và thực sự bền vững cho Tập đoàn.

Hiện, Trường có trên 16.000 học sinh, sinh viên (HSSV). Trong đó, hệ trung cấp các nghề là 3.405 người, hệ cao đẳng 40 người, GDTX là 271 người, lái xe các hạng là 5.263 người, sơ cấp các nghề là 5.032 người, liên kết đào tạo là 2.030 người.

Theo đó, 100% học sinh được đào tạo và tổ chức cho thi tốt nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề (KNN) quốc gia. Số học sinh tốt nghiệp và đạt tiêu chuẩn đánh giá KNN quốc gia đạt 98,3%. Cùng với đó, 100% giáo viên của Trường đều đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn hóa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Nhà trường thường xuyên nghiên cứu, mạnh dạn mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo, hướng công tác đào tạo tới các doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu học nghề, chuẩn bị thế và lực cho công tác đào tạo của những năm tiếp theo. Hiện nay, Trường được cấp phép tuyển sinh và đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp là 87 nghề.

Quang cảnh cơ sở vật chất khu A tại Phân hiệu đào tạo Cẩm Phả - một trong 5 phân hiệu trực thuộc Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam

Trường chú trọng đổi mới phương pháp tuyển sinh, xây dựng mạng lưới tuyển sinh tại các tỉnh, quản trị có hiệu quả chi phí, tiết kiệm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang sắm thiết bị dạy học để nâng cao năng lực, quy mô và chất lượng đào tạo.

Các cán bộ tuyển sinh nhà trường trực tiếp đến từng thôn, bản ở nhiều địa phương để tổ chức tư vấn tuyển sinh, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách tuyển dụng của TKV, các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với người dự tuyển.

Năm 2015, việc tuyển sinh thợ lò do nhà trường và các doanh nghiệp được thực hiện theo tỷ lệ: Doanh nghiệp tuyển 50%, nhà trường tuyển 50%. Từ năm 2017 đến nay, theo chỉ đạo của TKV, doanh nghiệp tuyển 20%, nhà trường tuyển 80%. Đặc biệt, trong năm 2019, Trường thực hiện tuyển sinh thợ lò đạt 4.986/4.230 học sinh, đạt 117,9% theo kế hoạch TKV giao.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, 100% các đơn vị phân hiệu, trung tâm trong toàn trường đều đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Trường còn định kỳ tổ chức đối thoại với HSSV, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt lớp, học tập nội quy, quy chế đầu khóa học kết hợp với giáo dục định hướng nghề nghiệp cho HSSV.

Tập trung trọng tâm, trọng điểm vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nội trú và phục vụ ăn, ở sinh hoạt nội trú của HSSV, từ đó góp phần rèn luyện được nền nếp, kỷ luật và tác phong công nghiệp cho HSSV.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm: Thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút học sinh đến với TKV. Cùng với đó, thường xuyên tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề, phối hợp với doanh nghiệp công tác tiếp nhận và bố trí thực tập sản xuất; chính sách khuyến khích, động viên người học có kết quả cao sau tốt nghiệp.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Chia sẻ bài viết: