Thợ lò Lê Văn Biên, công nhân khai thác mỏ hầm lò, Phân xưởng Khai thác 11, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, vinh dự đại diện cho hơn 3.400 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) của công ty tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước trong CNVCLÐ toàn quốc lần thứ 10, là đại biểu đi dự Ðại hội thi đua toàn quốc lần thứ X.
Thợ lò Lê Văn Biên trong giờ lao động sản xuất tại hầm lò.
Với vai trò là thợ chính trực tiếp khai thác than, 5 năm qua, anh Biên đã tham mưu, đề xuất với phân xưởng, công ty năm sáng kiến, áp dụng vào thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho chính bản thân mình và đồng nghiệp, là niềm tự hào của công ty.
Tiêu biểu phải kể đến sáng kiến "Ðề xuất khấu tiếp diện lò chợ (-35 ÷ +8) PV5C cánh Tây - Lộ Trí". So với thiết kế ban đầu, đề xuất của anh Biên giúp công ty tận thu tối đa phần tài nguyên khai thác thêm gần 8.000 tấn than, giá trị làm lợi đạt 9,1 tỷ đồng. Những sáng kiến của thợ lò Lê Văn Biên góp vào thành tích chung của phân xưởng. Trong ba năm liên tục, lò chợ của phân xưởng đạt năng suất kỷ lục ngành than - khoáng sản: năm 2017 đạt 238 nghìn tấn, năm 2018 đạt 247 nghìn tấn, năm 2019 đạt 221 nghìn tấn; được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tặng Cờ thi đua năng suất dẫn đầu Tập đoàn. Cá nhân anh Biên, bốn năm liền (2016 - 2019) đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Anh cũng được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn; được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Là công nhân trực tiếp sản xuất, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Biên còn được giao các nhiệm vụ: nhóm trưởng củng cố khấu than lò chợ; nhóm trưởng đào lò, xén lò chuẩn bị diện sản xuất lò chợ cơ giới hóa; nhóm trưởng thực hiện các công việc củng cố, phục vụ sản xuất lò chợ cơ giới hóa. Dù đảm đương nhiệm vụ nào, anh Lê Văn Biên cũng luôn tận tụy, tận tâm, tìm tòi, học hỏi để tìm hiểu, nắm bắt kịp thời mọi vướng mắc, ách tắc trong ca sản xuất để từ đó cùng với anh em đồng đội khắc phục mọi khó khăn, tham mưu với lãnh đạo phân xưởng đề ra các biện pháp khắc phục khó khăn, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn.
Nhắc về giây phút tự hào là một trong 10 gương mặt cá nhân xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh tại Ðại hội thi đua yêu nước trong CNVCLÐ vừa qua, Lê Văn Biên vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động. Anh kể: 18 năm qua, tôi chỉ cặm cụi với công việc cùng vài anh em cùng ca kíp trong hầm lò, ít giao tiếp ngoài xã hội. Vì vậy, khi nhận được tin sẽ được vinh dự có bài tham luận phát biểu trên hội trường trước hàng nghìn người, tôi hồi hộp đến nỗi mất ngủ cả nửa tháng trời. Khi bước chân vào nghề, tôi chỉ tâm niệm cần làm việc chăm chỉ để mưu sinh, giúp đỡ, sẻ chia một phần nỗi khó khăn cùng bố mẹ. Sau khi lập gia đình, đi làm để trở thành trụ cột kinh tế cho vợ con, chứ chưa nhận thức được thế nào là thi đua, sáng tạo, cống hiến. Dần dà, trong quá trình lao động, bằng khả năng học hỏi các anh, các chú đi trước, và nỗ lực của bản thân, tôi đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Hằng năm, mỗi lần nhận được phần thưởng từ phân xưởng, công đoàn, công ty, Tập đoàn, tôi lại nâng cao thêm ý thức phấn đấu, nỗ lực không ngừng, xứng đáng với sự ghi nhận, động viên đó. Ðể có được vinh dự lớn lao, đầy tự hào như ngày hôm nay, tôi cảm thấy mình có nhiều may mắn hơn đồng nghiệp. Có thể nhiều anh em cũng đạt được những thành tích xuất sắc trong lao động, có nhiều cống hiến cho đơn vị, nhưng tôi may mắn được làm việc trong môi trường lao động sản xuất tốt, có kỷ luật cao... Tất cả những điều đó là bệ phóng giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ðối với Lê Văn Biên, thợ lò sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc, mỗi khi vào ca là một lần đi đánh trận, phải đương đầu với rất nhiều khó khăn thách thức. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, không nói nhiều về mình, anh luôn nhắc về đồng nghiệp với hai tiếng thân thương "đồng đội". Nhớ lại những ngày đầu cách đây 16 năm về trước, chàng thanh niên quê Hải Dương đã rời quê hương tới Quảng Ninh lập nghiệp, chọn vùng đất mỏ là quê hương thứ hai, đầu quân vào đội ngũ thợ mỏ. Những ngày đầu với tay nghề non trẻ, được các bậc đàn anh đi trước kèm cặp, anh Biên luôn ghi lòng, tạc dạ. Với sự cố gắng, quyết tâm, kiên trì phấn đấu, đến nay, khi đã trở thành người thợ lành nghề, bậc cao, anh nhận thức cần phải trả cái ơn đó bằng cách tự phấn đấu, rèn luyện, trở thành nòng cốt, tiên phong quy tụ anh em đồng nghiệp. Với nhận thức đó, suốt một thời gian dài, kiên trì, nhẫn nại, anh tiếp tục truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy sau 18 năm làm nghề cho những công nhân mới. Lê Văn Biên tâm sự: Ðể đào tạo trở thành một người thợ trẻ mới ra trường có thể tự thao tác độc lập, những người thợ lò đi trước phải cầm tay, chỉ việc trong khoảng thời gian ít nhất một năm. Thợ lò là một công việc độc hại, nguy hiểm, bản thân tôi tận mắt chứng kiến những tai nạn không mong muốn xảy ra với đồng đội của mình trong quá trình lao động, sản xuất, do vậy, với những tích lũy trong nghề, tôi mong muốn truyền đạt lại hết cho lứa đàn em đi sau.
Nói về những ấp ủ, dự định trong tương lai, Lê Văn Biên còn nhiều trăn trở: Do đặc thù công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tuổi nghề của thợ lò thường ngắn hơn những nghề khác, vì vậy, độ tuổi về hưu chỉ nên dưới 50 tuổi mới bảo đảm được tiến độ cũng như an toàn trong lao động sản xuất. Tôi cũng như tất cả đồng đội khác đều mong muốn công ty, Tập đoàn ngày càng đầu tư nhiều máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm sức lao động trực tiếp cho thợ lò. Có như vậy, tuổi nghề của thợ lò mới tăng cao, gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa những kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ, với công ty.
Đặng Thanh Hà (nhandan.com.vn)