Đời sống - Xã hội

Giải pháp nào thu hút và giữ chân người lao động của ngành Than

Ngày đăng: 17/12/2020

Trong suốt 180 năm hình thành và phát triển, các doanh nghiệp ngành Than phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khâu tuyển dụng, giữ chân để người lao động yêu và gắn bó với nghề. Ngành than là một trong những ngành nặng nhọc, độc hại, đặc biệt là với công nhân hầm lò. Người ta thường ví một ngày làm việc của người thợ lò “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”, họ thường xuyên ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất với điều kiện làm việc rất khó khăn, có nguy cơ gặp tai nạn bất ngờ và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, để giữ chân người lao động, ngành Than đã thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ.

Xây dựng nhà ở cho công nhân lao động


Nhà ở phục vụ CNLĐ tại Công ty than Nam Mẫu (TP Uông Bí - Quảng Ninh)

Doanh nghiệp thực hiện triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động và xác định việc giải quyết nhà ở cho người lao động được “an cư, lạc nghiệp” là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, giúp người lao động yên tâm công tác, là động lực để họ gắn bó với nghề. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành Than đều có các khu nhà tập thể, khu chung cư được xây dựng với mục tiêu đặt ra là làm sao để tất cả người lao động độc thân, hoặc gia đình ở xa đều có chỗ trong các khu tập thể, khu chung cư để họ có điều kiện đi lại thuận lợi, hàng ngày được tập trung, giảm thiểu rủi ro tai nạn khi đi đường, đảm bảo sức khỏe và tránh được các tệ nạn xã hội. Điển hình như, Công ty than Mạo Khê đã đầu tư 3 dãy nhà chung cư 5 tầng khang trang với khoảng 300 phòng ở, phục vụ trên 400 công nhân lao động với đầy đủ tiện nghi. Công ty than Nam Mẫu đã đầu tư xây dựng 4 tòa chung cư kiểu mẫu 9 tầng hiện đại, với gần 224 căn hộ đầy đủ các trang thiết bị, phục vụ trên 800 công nhân. Than Mông Dương xây dựng khu nhà với 94 căn hộ, phục vụ nhu cầu nhà ở cho 384 người…

Cùng phối hợp với chuyên môn xây nhà tập thể, các khu chung cư cho người lao động, các cấp Công đoàn ngành Than đã trao, tặng, sửa chữa nhà “Mái ấm công đoàn” cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi mái ấm được hoàn thành đã in dấu về trách nhiệm của cán bộ và tổ chức công đoàn, từ việc vận động đóng góp xây dựng quỹ đến khảo sát, nắm bắt kịp thời những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Sự chia sẻ kịp thời khiến người lao động cảm thấy được quan tâm, làm cho họ yêu và muốn gắn bó với nghề hơn. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp “lá lành đùng lá rách”, tương thân tương ái của công nhân ngành Than.

Xây dựng khu tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí


Hoạt động thể thao tại khu chung cư Công ty than Hạ Long (TP Cẩm Phả - Quảng Ninh) 

Các doanh nghiệp của ngành Than cũng chú trọng đến các công trình phụ trợ, phục vụ việc tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho người lao động sau những giờ làm việc mệt nhọc. Có đơn vị đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho các công trình này với các hạng mục như phòng tập gym, bóng bàn, sân bóng chuyền, bóng đá, bể bơi, sân khấu phục vụ giao lưu văn hóa văn nghệ…; xây dựng trung tâm vật lý trị liệu, matxa phục vụ người lao động…

Cùng với đó là xây dựng thư viện, thư viện điện tử và nhà sinh hoạt cộng đồng, để người lao động có không gian tìm hiểu, giao lưu và học hỏi. Xây dựng nhiều khu nhà ăn công nhân với quy mô hiện đại, triển khai ăn ca công nghiệp theo hình thức ăn tự chọn với hàng chục món ăn phục vụ công nhân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Hoàng Văn Hậu, công nhân Công ty Than Nam Mẫu chia sẻ “Nghề thợ mỏ - nghe thì nặng nề nhưng khi được tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, những buổi sinh hoạt cộng đồng, những giờ chơi thể thao thì đã trút bỏ được những nặng nhọc, cảm thấy yêu đời và yêu nghề hơn”. Điều đó cho thấy các thiết chế văn hóa có tầm quan trọng rất lớn đối với đời sống của người lao động.

Lê Trang (congdoan.vn); Ảnh: CĐTKV

Chia sẻ bài viết: