Công tác Tuyên truyền

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”

Ngày đăng: 17/3/2021

Nhằm tìm ra phương hướng, giải pháp để nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở, hôm nay (16/3), Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”.

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”Toàn cảnh buổi tọa đàm "Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở".

Truyền thông trong công tác công đoàn đã và đang được chú trọng, được coi là một trong những đột phá của tổ chức Công đoàn. Làm sao để truyền thông trong hoạt động công đoàn hiệu quả, tạo nên sự kết nối thành công giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên? Đó chính là câu hỏi được đặt ra trong chương trình tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”, do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức vào sáng hôm nay (16/3).

Truyền thông có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại 4.0. Không nằm ngoài xu hướng này, truyền thông trong công tác công đoàn đã và đang được chú trọng.

Năm 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”. Từ đó có thể thấy rằng, trong thời gian qua, hoạt động truyền thông trong Công đoàn không còn chỉ là một yếu tố nhỏ, mà đã trở thành một trong những vấn đề then chốt, được xây dựng, phát triển với đường hướng rõ ràng.

Vậy, làm sao để truyền thông trong hoạt động công đoàn hiệu quả, tạo nên sự kết nối thành công giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên? Câu trả lời sẽ có trong chương trình tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”.

Chương trình được tổ chức tại Hội trường của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bà Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn; Nhà báo Trần Mai Anh – Trưởng phòng Tuyên Giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Việt Nam Airlines); Ông Đỗ Minh Triệu – Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh; Ông Trịnh Ngọc Toản – Chủ tịch CĐCS Công ty Than Hà Lầm; Bà Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1; Ông Lê Quang Vũ – CEO Blue C, Chuyên gia truyền thông...

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ: “Hiểu thế nào cho đúng về hoạt động truyền thông công đoàn? Truyền thông công đoàn là một chức năng cơ bản và quan trọng của công đoàn. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin thì câu chuyện không chỉ dừng ở một chiều mà còn phải đưa thông tin mà người lao động cần, tiếp nhận, phản hồi để điều chỉnh.

Hệ thống truyền thông của công đoàn nhìn chung là lớn mạnh, gồm 2 tờ báo, 70 tạp chí và bản tin, cơ chế phối hợp thường xuyên với 40 cơ quan báo chí và nhiều cơ quan truyền hình trung ương và địa phương. Hệ thống mạng xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 100 trang tin cấp tỉnh, 800 trang tin thuộc cấp cơ sở.

Trước đây, chúng ta thường đưa thông tin một chiều, không để ý đến sự tiếp nhận của đối tượng. Chính vì vậy, hiện nay, ngoài thông tin từ phía công đoàn, cán bộ công đoàn phải thường xuyên cập nhật thông tin mới và tiếp nhận phản hồi từ người lao động”.

"Các hoạt động công đoàn thường được tổ chức thường xuyên, tuy nhiên, chưa đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chưa tiếp cận được nhiều đối tượng trong xã hội. Đánh giá về nội dung và phương pháp của hoạt động công đoàn tại cơ sở khó có thể nói rằng nội dung hay phương pháp tốt hơn. Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Các hoạt động cần được sàng lọc, lựa chọn ra những hoạt động thiết thực, cần thiết cho đời sống người lao động", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thêm.

Muốn truyền thông tốt cần làm gì?

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”

Bà Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam và ông Đỗ Minh Triệu, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh.

Ông Đỗ Minh Triệu, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, nhận định: “Truyền thông phải được ưu tiên số một. Một hoạt động của công đoàn không có truyền thông không thể lan tỏa, tiếp cận đến anh chị em công nhân. Theo tôi, việc tạo điều kiện tối đa cho cơ sở, sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận phản hồi của người lao động sẽ giúp thông tin đến người lao động một cách rõ ràng. Thông qua tương tác mạng xã hội có thể đánh giá được chất lượng hoạt động truyền thông của công đoàn cơ sở. Mạng xã hội chính là một công cụ giám sát hữu ích".

 

Chia sẻ về truyền thông trong công đoàn, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết: “Tôi nhất trí với ý kiến của Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi bổ sung thêm, truyền thông trong công đoàn phải đảm bảo được 2 chiều, tổ chức Công đoàn phải bảo vệ và phản biện, giám sát xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động. Truyền thông trong công đoàn đòi hỏi 5 điều. Thứ nhất là kiến thức về công đoàn. Thứ hai là kiến thức về pháp luật để bảo vệ quyền lợi. Thứ ba, cán bộ truyền thông trong công đoàn phải có lập luận vững vàng. Thứ tư, cán bộ công đoàn làm truyền thông phải hết sức kịp thời. Thứ năm, làm sao để cán bộ truyền thông trong công đoàn phải gắn với người lao động, trở thành một kênh truyền thông gắn kết với người lao động, một người bạn thân của người lao động”.

Yếu tố truyền thông trong mỗi công đoàn là khác nhau, có những nơi đã làm rất tốt. Điều đó tùy thuộc vào người đứng đầu của từng tổ chức Công đoàn. Vai trò của người đứng đầu là yếu tố quan trọng nhất trong việc định hướng truyền thông trong từng công đoàn, tổ chức.

"Truyền thông ở các công đoàn cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bởi họ phải làm chuyên môn, tập trung trong công việc của mình. Họ phải có chuyên môn, kiến thức về truyền thông và quan trọng là tài chính. Nếu không được quan tâm và có một cơ chế quyền lợi thì rất khó để huy động họ làm. Người đứng đầu phải có những sáng kiến để đào tạo công nhân của mình. Trước tiên, họ phải làm tốt truyền thông nội bộ. Hoạt động công đoàn nếu có sáng kiến thì sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông. Nếu làm truyền thông tốt thì công đoàn cũng sẽ phát triển, lan tỏa được rộng hơn. Ví dụ như cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn và người lao động”, qua công tác truyền thông, hoạt động của công đoàn đã được biết đến nhiều hơn", Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, nhấn mạnh.

Truyền thông tự nguyện hay bắt buộc?

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”

Ông Trịnh Ngọc Toản – Chủ tịch CĐCS Công ty Than Hà Lầm, chia sẻ về cách truyền thông trong các hoạt động công đoàn.

Ông Trịnh Ngọc Toản – Chủ tịch CĐCS Công ty CP Than Hà Lầm, chia sẻ: “Các chính sách truyền thông tự nguyện là những hoạt động liên quan đến tuyên truyền, ủng hộ. Ngành Than của chúng tôi cũng rất cần phải có các chính sách tuyên truyền tự nguyện. Ví dụ, vừa qua, ngành của chúng tôi có 1 trường hợp bị tai nạn lao động, khi đó chính sách truyền thông tự nguyện đóng vai trò quan trọng. Công nhân viên ngành Than cần chia sẻ các thông tin về vụ việc đó một cách tự nguyện để đưa thông tin đến người lao động và cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình”.

Tuy nhiên, theo ông Toản, quá trình làm truyền thông thông qua mạng xã hội cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi, mạng xã hội giúp truyền tải thông tin, thông điệp truyền thông rất tốt đến công nhân lao động. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là có thể định hướng sai và chia sẻ những tin tức không đúng sự thật. Do đó, các hình thức tuyên truyền trong bối cảnh hiện nay đóng vai trò rất quan trọng và cần được cải tiến để có thể đem đến lợi ích cho người lao động.

"Trong Tháng Công nhân, chúng tôi đi thực tế để kiểm tra vệ sinh an toàn lao động, giao cho các phòng an toàn trực tiếp giám sát. Chúng tôi cũng đã trực tiếp trao giải cho các cá nhân thực hiện tốt, để các công nhân khác thấy được và có thêm động lực để noi theo và phấn đấu làm tốt như những tấm gương đang được nhận thưởng. Tóm lại, trong thời gian qua, chúng tôi có 2 hình thức: Kỷ luật đồng tâm và trao thưởng trực tiếp, sau đó đưa tin về người tốt, việc tốt lên trang thông tin của công ty để lan tỏa", ông Toản chia sẻ về cách truyền thông tại CĐCS Công ty CP Than Hà Lầm.

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”

Ông Nguyễn Quang Đông – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Việt Nam, chia sẻ về truyền thông tại công đoàn cơ sở.

Ông Nguyễn Quang Đông – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Việt Nam, cho biết: “Ban Giám đốc Công ty rất ủng hộ công tác truyền thông của công đoàn. Năm 2010, chúng tôi xảy ra việc đình công, do chúng tôi xử lý chậm trễ ý kiến của công nhân gửi lên. Từ đó, chúng tôi liên tục hàng ngày lắng nghe ý kiến của người lao động qua hình thức trực tiếp, phản biện. Ngoài ra, chúng tôi tiếp nhận ý kiến của công nhân qua các hòm thư góp ý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cải tiến hơn nữa hòm thư này để nhận được ý kiến kịp thời của công nhân.

Nhiều công ty sợ yêu cầu của công đoàn có nhiều đòi hỏi. Tuy nhiên, ở công ty chúng tôi, việc này rất hài hòa, cân bằng. Thời điểm nhận được nhiều ý kiến của công nhân về việc gặp khó khăn, chúng tôi chọn biện pháp thương lượng và hài hòa.

Nếu gặp một vấn đề mang tính chất đấu tranh cho quyền lợi, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty chúng tôi gồm 17 người sẽ đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho anh em, bên cạnh đó, chúng tôi luôn phải cân bằng giữa quyền lợi người lao động với chất lượng sản xuất, năng suất và hiệu quả công việc mà họ làm được. Nếu những ý kiến đấu tranh đó không phù hợp và có xung đột thì chúng tôi sẽ giải thích cụ thể cho anh em, để anh em hiểu được vấn đề. Việc quản lý truyền thông sẽ tóm gọn qua việc: Lắng nghe ý kiến của những công nhân qua các nhóm nhỏ được chỉ đạo và từ đó lan tỏa.

Hiện Yamaha đang sử dụng những công cụ truyền thông như tạp chí, ấn phẩm, mạng xã hội, thư điện tử, ... và hệ thống công đoàn tại từng tổ nhóm. Những công cụ này giúp truyền tải thông tin đến người lao động một cách nhanh chóng, nhưng cũng gặp phải khó khăn về vấn đề bảo mật thông tin.

Để đảm bảo tính bảo mật, công ty đã yêu cầu công nhân ký cam kết bảo mật thông tin, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về đánh giá thông tin, phân cấp thông tin mật - tuyệt mật - tối mật. Tuy nhiên, với hơn 5.000 đoàn viên, vẫn có những sơ suất trong quá trình hoạt động. Về giải pháp trong thời gian tới, công ty vẫn chưa có giải pháp cụ thể và triệt để, hiện đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai.

Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Việt Nam, cho biết thêm: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những fanpage quản trị để thu thập những thông tin của người lao động một cách rộng hơn và chuyên môn hơn".

Câu chuyện trong truyền thông đóng vai trò quyết định

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”
Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Đánh giá về các hoạt động truyền thông công đoàn của các doanh nghiệp tham gia chương trình, theo Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, có nhiều nhận định về hoạt động truyền thông của doanh nghiệp Nhà nước có phần chậm hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Sau phiên trao đổi của các doanh nghiệp, tôi bất ngờ với cách thức truyền thông của cả doanh nghiệp khối tư nhân và Nhà nước. Cosmos 1 là doanh nghiệp tư nhân sử dụng hòm thư góp ý truyền thống rất hiệu quả. Ngược lại, Công ty CP Than Hà Lầm đã xây dựng hệ thống trang thông tin điện tử nội bộ rất phát triển, mang thông tin đến những người thợ trong cả những hầm lò”.

Nhà báo Trần Duy Phương, nhận định, để hạn chế sự chênh lệch trong thông tin của Ban lãnh đạo Công ty đối với kỳ vọng của người lao động, nên lồng ghép thông tin cần truyền thông vào những câu chuyện kể hàng ngày để người lao động thực sự hiểu được rằng những thông tin đó gần gũi, cần thiết và là một phần trong đời sống của họ. Cách người cán bộ kể câu chuyện sẽ quyết định mức độ tiếp cận vấn đề của người lao động.

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”
Nhà báo Trần Mai Anh – Trưởng phòng Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Nhà báo Trần Mai Anh – Trưởng phòng Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết rất ấn tượng về hệ thống truyền thông của công đoàn, có rất nhiều kênh phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, việc quan trọng là cần kết nối các kênh truyền thông hiện tại đang có như thế nào. Trong đó, các công đoàn cơ sở cần xác định mục đích truyền thông cụ thể và đặc biệt cần quan tâm đến cảm nhận của người lao động.

“Tôi vẫn thường nói truyền thông chính là cách phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt, truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ của người lao động. Ví dụ, cùng một hoạt động chăm sóc sức khỏe, ngoài việc khám chữa định kỳ, doanh nghiệp cấp thẻ thông tin cá nhân cho cán bộ, nhân viên gồm họ tên, nhóm máu, số điện thoại người thân và hotline của công đoàn. Đó là cách công đoàn thể hiện tình cảm và sự quan tâm đến người lao động theo cách người lao động thực sự cảm nhận được”, Trưởng phòng Tuyên giáo – Truyền thông của Vietnam Airlines, chia sẻ.

Người lao động cần thông tin chân thật nhất, gần gũi nhất. Cán bộ công đoàn không cần là chuyên gia. Nhưng cán bộ công đoàn cần nắm rõ tình hình cơ sở và hiểu những câu chuyện muốn kể, đồng thời dùng những hình ảnh, thông tin gần gũi nhất.

Theo bà Trần Mai Anh, không nên nhận định rằng cán bộ công đoàn là người làm truyền thông chuyên nghiệp. Suy cho cùng, cán bộ truyền thông cũng là người lao động,là một thành viên trong công ty giống như những người khác. Đây chính là điểm chạm để cán bộ có thể thấu cảm được tâm tư, nguyện vọng người lao động.

Việc chia sẻ thông tin nhanh chóng và được biên tập bài bản là điều cần thiết. Ngoài ra, cần có sự kết hợp giữa các kênh truyền thông. Cụ thể, xu hướng chung của thế giới hiện nay là quan tâm đến những con người bình thường, tầm thường thay vì những anh hùng, tấm gương tiêu biểu được truyền thông chuyên nghiệp. Những người này gần gũi, dễ chạm đến trái tim của người lao động.

Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở”
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những thông tin chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia, nhà báo và những người làm công tác truyền thông.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, muốn làm truyền thông hiệu quả, điều quan trọng nhất là cán bộ công đoàn phải xuất phát từ tấm lòng của mình dành cho người lao động, bởi người lao động đi làm việc là vì thu nhập, hy sinh, chăm lo cho gia đình. Chỉ khi hiểu và đồng cảm với họ, cán bộ công đoàn cơ sở mới có thể gửi thông điệp hiệu quả.

Nguồn: cuocsongantoan.vn

Chia sẻ bài viết: