Gương người tốt, việc tốt

Trận đánh hay - người đánh giỏi là thợ lái xe gạt ở Đèo Nai

Ngày đăng: 4/11/2016

Chiếc tàu chiến Nô – xui - bi hiện đại của Hải Quân Mỹ nặng 15 nghìn tấn neo đậu ở ngoài khơi cảng Cửa Việt.
Đoàn 125 đặc công Hải quân Nhân dân Việt Nam được lệnh tìm cách đánh chiếc tàu này. Đây là loại tàu lớn có thiết bị chống người nhái, chống đặc công nước hiện đại nhất bây giờ. Thiết bị rađa trên tàu mà theo báo chí nước ngoài lúc đó miêu tả là có nhìn thấy từng con cá bơi xa hàng trăm mét dưới biển. Ban đêm, xung quanh thành tàu, cứ 5 mét lại thắp một bóng đèn điện cao áp toả sáng như ban ngày. Mỗi phiên, 4 lính gác đi tuần quanh tàu. Một vật nhỏ bằng nửa trang sách nổi trên mặt biển cũng không thoát khỏi ống kính tiềm vọng lắp trên đài chỉ huy... Vậy làm thế nào mà đặc công nước của Việt Cộng đã lọt qua tất cả để đánh đắm con tàu. Họ dùng vũ khí gì mà sĩ quan tàu biết tàu bị tấn công vẫn không có cách cứu vãn? Tại sao? Khi tàu bị đánh hàng loạt tàu tuần tiễu, máy bay quần thảo mà không tiêu diệt được họ???... Đấy là những phân tích của 70 tờ báo nước ngoài sau sự kiện con tàu bị đánh chìm...
Tối ngày 06/9/1969, Đại uý Mai Năng - Tham mưu trưởng Đoàn 126 gọi Thiếu uý Bùi Văn Hy, phân đội trưởng. Trần Xuân Hỗ tổ trưởng và Trần Quang Khải chiến sĩ đội 1 lên giao nhiệm vụ: “Bác Hồ vừa mới mất được 4 ngày, cả nước vô cùng đau đớn, thương tiếc Bác...”. Trận này phải biến đau thương thành hành động, quyết đánh, quyết thắng, lập công đền ơn Bác. Tổ chiến đấu nhận vũ khí tiến hành trinh sát. Hơn 8 giờ tối, họ xuống nước bơi ra đánh tàu, gặp cơn giông nổi lên, tổ đặc công bị sóng gió đánh dạt mục tiêu. Đêm hôm sau, họ lại tiếp tục lên đường. Sau gần 5 giờ liên tục bơi, Hỗ và Khải đã cách tàu 300 mét; 15 phút sau, bằng kỹ thuật điêu luyện bám giữ thành tàu để áp mìn nhưng thấy nhiều hà bám, không đảm bảo. Hỗ ra lệnh cho Khải cùng lặn sâu, dùng dao găm cạo nhẵn lớp hà để áp quả mìn rùa vào thành tàu. Khi áp, họ đỡ nghiêng, dùng hai bàn chân đạp mạnh vào tàu đẩy ra để đỡ sức hút nam châm, không tạo tiếng động. Khi quả mìn “cắn” vào sườn tàu, thấy ăn chắc họ lặn sâu xuống nước, rút chốt an toàn, “chào” con tàu rồi bơi đi. Mới cách chừng 10 mét đã nghe tiếng bọn lính kêu to “Vixi - Vixi...”. Còi báo động rú vang, các loại súng đạn thi nhau xả, quét xuống biển, tạo nên những cột sóng nhỏ. Một tiếng nổ hất mạnh cả Khải và Hỗ lên cao rồi rơi xuống nước, dây đồng đội bị đứt. Trong sự lùng sục của tàu tuần tiểu địch, mỗi người một ngả, họ bơi ra xa... Mười lăm phút sau, hai tiếng nổ gần như một lúc ầm vang mặt biển. Một cột lửa bốc cao chừng trăm mét nơi con tàu Nô xui bi thả neo.
Người đánh giỏi, chiến sĩ đặc công Trần Văn Hỗ sinh ngày 5/3/1947 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1965 được Mỏ than Đèo Nai tuyển dụng làm công nhân lái xe gạt. Những năm 1966 - 1968 giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng than Cẩm Phả. Nhiều xưởng máy, mỏ than, bến Cửa Ông phải ngừng hoạt động. Sau đợt tuyển quân vào Binh đoàn Than (tháng 12-1967). Ngày 5/3/1968 tại Hầm than Trụ (Mỏ than Đèo Nai) lại tổ chức tiễn đưa thêm 140 công nhân kỹ thuật các ngành nghề lên đường nhập ngũ. Hôm đó - chính tay Giám đốc Mỏ Bùi Vi đã tặng kỷ niệm cho mỗi chiến sĩ 01 hòn than nhỏ lấy từ hào y dưới chân đồi Him Lam (nơi đất đá rắn F14 - F15) để mọi người luôn nhớ về Mỏ, nhớ về truyền thống công nhân Mỏ năm 1936. Toàn bộ 140 chiến sĩ được biên chế vào tiểu đoàn 14, trung đoàn 127 huấn luyện tại Yên Tử (Đông Triều). Đang huấn luyện thì Đoàn 126 Đặc công - Binh chủng Hải quân đến lựa chọn tuyển quân (cả tiểu đoàn 14 chỉ có 10 người đủ tiêu chuẩn chọn trong đó có Trần Xuân Hỗ). Anh được thay đổi hướng nghiệp vụ của lính đặc công nước. Sau 1 năm đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, được cấp trên tin tưởng và trận đánh chìm tàu Nô-xui-bi là chiến công đầu, kỷ niệm khó quên với anh. Cả Khải và Hỗ đều bị chấn thương sọ não do sức ép của khối thuốc nổ phá tàu nhưng anh bình phục tiếp tục ra thao trường luyện quân để chuẩn bị cho các trận đánh mới. Trần Xuân Hỗ tiếp tục tham gia cùng đơn vị đặc công 126 đánh cảng Cửa Việt, Cam Ranh, sông Sài Gòn, giải phóng đảo Trường Sa... Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Được Nhà nước tặng thưởng 03 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất và hạng Ba. Năm 1976, Bộ Quốc phòng cho hàng loạt quân nhân giải ngũ. Trở về địa phương Cẩm Phả, Trần Xuân Hỗ lại gắn bó với chiếc xe gạt T.100 (Liên Xô cũ) của mình. Luôn phát huy bản chất tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ gương mẫu trong lao động sản xuất, tham gia Hội Cựu chiến binh Công ty. Năm 2000, được Công ty than Đèo Nai cho nghỉ chế độ. Về địa phương khu phố nơi ở thường ngày, Trần Xuân Hỗ được nhân dân tín nhiệm bầu làm các chức danh Tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Phó Bí thư chi bộ Đảng, trưởng khu phố Ngô Quyền, phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả). Trần Xuân Hỗ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tham gia các chương trình giao lưu, kể chuyện chiến đấu với các đoàn viên thanh niên, học sinh trường Tiểu học Cẩm Đông, trường THCS Ngô Quyền; tham gia chương trình “Người đương thời” của VTV3 Đài PTTH Việt Nam v.v. khác hẳn với những người có chiến công, tiếng vang được “oai” trong dân chúng, mặc dù chiến công lừng lẫy bốn phương như vậy nhưng trở về với đời thường, cựu chiến binh Trần Xuân Hỗ đã vượt khó vươn lên trong hoàn cảnh: vợ ốm đau, bệnh tật kéo dài, các con còn nhỏ đi học. Một mình đóng than tổ ong, làm đinh đi rao cho các gia đình, xóm thợ để có thêm thu nhập ngoài đồng lương hưu, giá cả đắt đỏ không kêu ca gì đến chế độ chính sách, sự đãi ngộ của Nhà nước.
Qua nhiều năm bị thất lạc hồ sơ, giấy tờ, sau nỗ lực của các phòng chế độ chính sách - quân nhân - thương binh ở Binh chủng Đặc công, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Cẩm Phả: Trần Xuân Hỗ nguyên chiến sĩ Đội 1 - Đoàn 126 Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng đã được Chủ tịch nước ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25/4/2015./.
 

Chia sẻ bài viết: