Tin Tổng liên đoàn

Thay đổi cách tính lương hưu từ 1.1.2018: Đề nghị xem xét sửa đổi, đảm bảo quyền lợi lao động nữ

Ngày đăng: 28/10/2017

Từ ngày 1.1.2018, theo Luật BHXH 2014, nhiều lao động nữ (LĐN) nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%). Thay đổi trên đã khiến nhiều LĐN lo lắng, bức xúc, gây nhiều xáo trộn.

Lao động nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu nghỉ hưu từ 1.1.2018 theo cách tính lương hưu mới.
Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - cho biết: 

- Theo quy định của Luật BHXH năm 2006 thì người lao động để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì cần có thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật BHXH năm 2014, với quan điểm cho rằng cần điều chỉnh công thức tính lương hưu của cả nam và nữ để hướng tới các mục tiêu: Bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng (thời gian đóng, mức đóng phù hợp với thời gian hưởng, mức hưởng); bảo đảm khả năng cân đối dài hạn của quỹ hưu trí và tử tuất và bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng. Do tỉ lệ đóng BHXH ở Việt Nam đã được điều chỉnh tăng trong giai đoạn 2010-2014 theo quy định của Luật BHXH năm 2006 và được đánh giá là cao so với các nước khác; còn việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa xuống thấp hơn 75% cũng bị nhiều ý kiến phản đối. Vì vậy, Quốc hội đã chọn phương án điều chỉnh nâng thời gian tham gia BHXH của người lao động để được hưởng lương hưu tối đa 75% như Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014:

Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; LĐN nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Thưa ông, việc thay đổi công thức tính lương hưu như trên có tác động như thế nào với lao động, nhất là đối với LĐN?

- Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH. Điều này sẽ tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho lao động nữ.

Cụ thể, LĐN có thời gian đóng BHXH từ 30 năm trở lên thì tỉ lệ hưởng lương hưu là giống nhau (đều được hưởng tỉ lệ tối đa là 75%), chỉ khác là người nghỉ năm 2018 có mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 2,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH.

Đối với LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH thì bị tác động lớn hơn. Những LĐN này nghỉ hưu vào năm 2018 có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với nghỉ hưu năm 2017 lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 LĐN nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5% -10%.

Theo ông, cần có các giải pháp gì để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên?

- Để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, theo tôi cần phải xem xét, sửa đổi Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ được thực hiện có lộ trình nâng dần, đạt được mục đích bình đẳng giới và hạn chế sốc do thay đổi chính sách.

Về lâu dài, bên cạnh nghiên cứu, xem xét sửa đổi bổ sung một cách tổng thể Luật BHXH (trong đó có cả tuổi nghỉ hưu), thì còn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho người lao động về lợi ích của việc duy trì tham gia BHXH, hạn chế hưởng BHXH một lần cũng như về hưu với mức lương thấp hơn.
- Xin cảm ơn ông!

Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH sẽ bị tác động lớn về lương hưu. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt:
Việc này Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đang giao cho Bộ LĐTBXH làm tờ trình, vì đây là lĩnh vực Bộ LĐTBXH phụ trách và vấn đề này liên quan đến đối tượng nữ công chức viên chức nhà nước, cũng như người LĐN ở các cơ quan, doanh nghiệp. Trên cơ sở đề nghị của Bộ LĐTBXH, Ủy ban sẽ thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM), Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
Nhiều lao động hiện đang có tâm lý bất an khi đã gần đến ngày 1.1.2018, đặc biệt là các LĐN. Vì tâm lý không tốt nên sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐN và các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Theo Luật BHXH 2014, trong khi lao động nam có lộ trình áp dụng từ 2018 đến 2022 thì LĐN lại bị áp dụng ngay chính sách mới ngay từ đầu năm tới. Nghĩa là phải lao động có đóng bảo hiểm đủ 30 năm mới được hưởng 75% lương. Đây là một sự bất công đối với LĐN. Một số ý kiến cho rằng chính sách mới sẽ kéo giảm sự bất bình đẳng nam nữ với nhau trong chế độ hưởng BHXH. Nhưng thực ra lại quên mất rằng, trong Luật Bình đẳng giới cũng có quy định những giải pháp ưu tiên cho phụ nữ nói chung và LĐN nói riêng được áp dụng mà không bị coi là bất bình đẳng giới. Trong khi đó, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 1% bắt đầu từ 1.1.2018 cũng đang làm cho LĐN không yên tâm. Có dư luận cho rằng Bộ LĐTBXH sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động tăng tuổi nghỉ hưu. Nhưng, tuổi nghỉ hưu chưa được tăng, người lao động chưa đóng đủ thời hạn này mà muốn làm thêm để được hưởng mức lương hưu cao nhất thì lại không có cơ hội. Điều 60 của Luật BHXH có tính nhân văn và đảm bảo an sinh xã hội nhưng trong điều kiện thực tiễn chưa áp dụng được, Quốc hội cũng có Nghị quyết kéo dài thời gian cho những điều kiện đảm bảo an tâm cho lao động nói chung cũng như LĐN nói riêng. Xuân Hải – Đức Thành
 
Ý kiến của cán bộ công đoàn và người lao động: 
Bà Trần Thu Phương - Phó Chủ tịch CĐ KCN-CX Hà Nội: Tác động lớn đến lao động nữ
Theo tôi, quy định trên ảnh hưởng rất lớn đối với LĐN bởi khi về hưu thì 5.000-10.000 đồng cũng quý chứ đừng nói đến việc giảm tới 10% như vậy. Đặc biệt chính sách này tác động lớn đến LĐN trong khi họ đã chịu nhiều thiệt thòi, còn phải gánh vác thiên chức của người phụ nữ, trong gia đình cũng như trong công việc. Với quan điểm của CĐ cấp trên thì không nên cắt giảm như vậy. Hiện nay, tổng số lao động tại các KCN-CX Hà Nội là 145.000 người, trong đó LĐN chiếm tỉ lệ rất lớn là 90.000 người. Tới thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa ghi nhận đoàn viên, người lao động nào phản ánh hay kêu ca về chính sách trên. Có thể đây là chính sách mới nên đa số còn chưa nắm được. Tuy vậy, CĐ KCN-CX Hà Nội đã có kế hoạch tuyên truyền cho CNLĐ. Sau khi tuyên truyền chắc chắn nhiều LĐN sẽ có ý kiến. VŨ HẢI ghi
Bà Trần Thị Kim Anh - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn: Quá đột ngột, quá thiệt thòi cho lao động nữ
Khi góp ý tham gia xây dựng dự thảo thì nói là có lộ trình, nhưng theo quy định này thì chỉ có lộ trình đối với lao động nam, còn LĐN thì thay đổi luôn mà không có lộ trình. Tôi thấy như thế thì quá thiệt thòi cho LĐN. Hiện nay, có nhiều LĐN sắp nghỉ hưu rất bức xúc, tôi đề nghị Tổng LĐLĐVN có ý kiến chính thức với Chính phủ và Quốc hội về việc này để đảm bảo quyền lợi cho LĐN. X.TRƯỜNG ghi
Bà Vũ Thị P - nhân viên một văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội): “May” mà tôi bị gãy tay
Chị Vũ Thị P đã có hơn 26 năm công tác. Theo Luật BHXH 2006 thì khi nghỉ hưu, chị không những vẫn được hưởng 75% lương mà còn được hưởng khoản tiền chênh lệch (thừa năm công tác) của gần 3 năm nữa (đến năm 2019, chị P đến tuổi nghỉ chế độ). Nhưng theo Luật BHXH 2014, lương hưu của chị bỗng dưng sẽ bị thiệt mất khoảng 6%. “Ai cũng biết đồng lương hưu quan trọng như thế nào đối với một người cả đời đi làm công, ăn lương. Vậy mà phấn đấu mấy chục năm, để bây giờ, bỗng dưng bị “tước” mất 200.000 - 300.000 đồng/tháng thì thật là bất công. “May” là tôi vừa bị gãy tay trong một vụ va chạm giao thông. Với tai nạn đó, tôi đã đi xin giám định để nghỉ hưu trước tuổi cho đỡ thiệt thòi. Tôi thật không hiểu nổi, người ta tính toán thế nào mà lại ra quyết định một cách vô lý như thế. Bởi, hiểu một cách logic thì với Luật BHXH mới, bắt buộc người phụ nữ phải có thời gian công tác ngang bằng với thời gian công tác của nam giới nếu như muốn hưởng 75% lương khi nghỉ hưu như thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Quốc hội đã có quyết định tăng tuổi nghỉ hưu đâu mà đã tăng năm công tác hay nói cách khác là tăng năm đóng BHXH của nữ giới? Như vậy, chẳng hóa ra Luật BHXH 2014 đã trở thành văn bản pháp lý để giảm tiền lương hưu của nữ giới một cách hợp pháp hay sao?. KIM ANH ghi
Bà Nguyễn Thanh Vân - Công nhân Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội: Tôi đang làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi
Theo Luật BHXH năm 2014 quy định thì từ ngày 1.1.2018, LĐN phải đóng BHXH 30 năm thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện tại. Về quy định này, tôi thấy quá thiệt thòi cho LĐN, nhất là những LĐN làm các việc nặng nhọc, độc hại như chúng tôi. Với trường hợp như tôi, nếu so với luật cũ thì 3 năm nữa tôi được nghỉ hưu và hưởng mức lương hưu 75%, nhưng theo Luật BHXH năm 2014 thì để được hưởng lương hưu mức 75%, tôi phải làm việc 8 năm nữa. Hiện tại, ở Cty tôi cũng có một số LĐN làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi. Tôi đề nghị các cấp CĐ có ý kiến với Chính phủ và Quốc hội về việc phải có lộ trình, có tính đến đối tượng lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại để đảm bảo quyền lợi cho LĐN. X.T ghi
Theo Báo Lao động

Chia sẻ bài viết: