Công tác Tuyên truyền

Bố là người thợ lò dũng cảm nhất

Ngày đăng: 24/11/2016

Hơn 33 năm gắn bó với Than Vàng Danh, tôi càng thấy thấm lời Bác Hồ nói với các đại biểu ngành Than tại Phủ Chủ tịch, ngày 15/11/1968, rằng: “Ngành sản xuất Than cũng như quân đội đánh giặc”.
Nguyên “thủ lĩnh” của chúng tôi - ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong cuộc hội thảo mới đây về ngành Than, tâm sự: người ngành Than cho đến nay vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng: Vì sao Bác Hồ lại hiểu kỹ ngành Than và chia sẻ với thợ mỏ sâu sắc đến vậy?

Muốn đánh thắng giặc thì phải biết thương yêu nhau, đoàn kết, chịu đựng gian khổ, dám hy sinh, gan dạ, dũng cảm, sáng tạo và chỉ huy giỏi. Sản xuất than cũng đầy gian khó: lòng đất chật hẹp, thiếu dưỡng khí và luôn phải đối mặt với các hiểm họa như sập lò, bục nước, khí độc, cháy nổ khí mê-tan…Nhưng chính tình yêu thương nhau, lòng dũng cảm, sáng tạo, cùng tinh thần “Kỷ luật - đồng tâm” đã giúp lớp lớp thế hệ thợ mỏ luôn đi đầu vượt khó, bỏ lại phía sau sự sợ hãi, gian nguy để tiến sâu từng tấc, từng mét, mang ra nhiều tấn than cho Tổ quốc.
Tôi rất đồng tình với bức xúc của ông Kiển, rằng cho đến hôm nay mà vẫn còn không ít người mỉa mai: “Than với gio, chỉ việc đào lên mà bán mà cũng kêu khó”.

Chưa kể những khó nhọc, độc hại trong các đường lò hut hút - những lý do chính khiến người thợ lò thường nghỉ hưu sớm, hoặc chuyển sang làm nhiệm vụ khác, thì hàng năm, không có ít thợ lò đã tử nạn hoặc bị thương, tàn tật vĩnh viễn.
 Cho đến giờ, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc khi một thợ lò đọc lá thư của con trai gửi, tại buổi tuyên dương con em học giỏi của một đơn vị Khai thác thuộc Công ty cổ phần than Vàng Danh.
Cháu viết: “Từ nông thôn, trong một gia đình nghèo, đông con, bố lên đường chọn vùng đất mỏ Vàng Danh làm chốn dừng chân. Tuổi 18, bố đã bắt đầu vào hầm lò. Đã có bao người phải bỏ nghề vì không chịu được những độc hại, hiểm nguy rình rập. Vậy mà bố vẫn kiên trì, chăm chỉ bởi bố biết còn cả gia đình đang ngóng chờ vào đồng lương của bố. Bố cứ làm, cứ vác, cứ đào quần quật suốt gần 30 năm rồi mà sao vẫn chưa nghỉ? Bỗng một ngày con nhận ra, bàn tay bố đã không còn cảm giác nữa bởi những vết chai sạn. Bố cũng không phân biệt được mùi nữa vì bệnh viêm xoang, vì những năm tháng làm việc trong lò sâu. Chiều nay, con thấy bố ngồi lặng sau nhà, cảm giác bình yên với con bỗng tràn về. Con muốn chạy tới ôm cổ bố nhưng chỉ dám nhìn bố từ xa và con cũng nhận ra: Bố đã không còn trẻ nữa. Bố cần nghỉ ngơi sau một nửa cuộc đời vất vả”.
Nghe người thợ lò đọc bức thư của con, tôi và những người trong khán phòng đều rưng rưng cảm động. Với cháu, bố cháu là một người thợ lò dũng cảm, mạnh mẽ, nhưng hiền lành và luôn hy sinh vì người khác.
Có lẽ, đó cũng là những phẩm chất của hầu hết các thợ lò của Than Vàng Danh nói riêng và TKV nói chung.
Đã 80 năm qua, kể từ ngày cuộc tổng đình công của 3 vạn thợ mỏ, với khẩu hiệu hành động “Kỷ luật, đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, thành công vang dội, ngày 12/11/1936.
“Kỷ luật và đồng tâm” đã trở thành tài sản vô giá của lớp lớp thế hệ ngành Than, tạo nên sức mạnh tinh thần lớn mạnh, giúp chúng tôi - những người thợ mỏ - vẫn vững tin, bước sâu vào lòng đất để tiếp tục đem về những “vàng đen” cho Tổ quốc, dù biết bao khó khăn, thác ghềnh, hiểm nguy ở phía trước./.
Vũ Đình Việt

Chia sẻ bài viết: