Ngày 17/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến giới thiệu cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”. Các đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đồng chủ trì.
Thông tin về cuộc thi, đồng chí Vũ Thị Giáng Hương, Quyền Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đối tượng tham gia là các nhạc sĩ chuyên và không chuyên đang sinh sống, làm việc ở trong nước và ngoài nước. Nội dung tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc chiến chống Covid -19 đầy khó khăn, gian khổ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tác phẩm động viên, khích lệ tinh thần vượt khó, ý chí kiên cường của các lực lượng, nhất là lực lượng tuyến đầu; ca ngợi những tấm gương tận tụy, vượt mọi khó khăn, thử thách, hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sự an toàn của đất nước; khẳng định quyết tâm, đồng lòng và niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tác phẩm dự thi là các ca khúc có ca từ trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, dễ phổ biến, dễ hát, dễ dàn dựng hát đơn ca, tốp ca hoặc hợp ca. Tác phẩm dự thi do chính tác giả hoặc ca sĩ thể hiện.
Tác phẩm dự thi phải là ca khúc được sáng tác nhưng chưa phổ biến và tham gia bất kỳ cuộc thi nào ở trung ương, địa phương và các ban, ngành khác.
Tổng giá trị giải thưởng chính thức dự kiến: 500 triệu đồng, trong đó giải nhất là 100 triệu đồng, các giải khác trị giá từ 10 - 50 triệu đồng/giải.
Thời gian nhận tác phẩm: Bắt đầu từ 0h00 ngày 19/8/2021 đến 17h00 ngày 01/10/2021.
Cuộc thi được tổng kêt và trao giải vào trung tuần tháng 10/2021, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam gắn với sự kiện Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”.
Từ tự phát đã xuất hiện những tác phẩm văn học là thơ, hát, nhạc, truyện ra đời từ cuộc hiến đầy cam go này. Để động viên lực lượng tuyến đầu đang ngay đêm nỗ lực phòng, chống dịch, trong đó có cán bộ, nhân viên y tế. Nhiều y, bác sĩ đối mặt với nguy hiểm, vất vả, đòi hỏi tách nhiệm, bản lĩnh và sự động viên rất lớn. Có những y, bác sĩ mỗi ngày chỉ được nghỉ 3 tiếng. Mỗi khi nhận thêm 1 bệnh nhân nặng, họ thêm trăn trở và đầy lo toan. Họ đi mấy tháng trời, đi xa gia đình, điều kiện ăn ở nghỉ ngơi khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc động viên chia sẻ với họ là rất quan trọng làm sao để tăng tinh thần lạc quan, yêu đời của y bác sĩ cũng như nhân dân ta trong cuộc chiến chống Covid-19. Những ca khúc này sẽ truyền cảm hứng, lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch để đi đến kết quả cuối cùng.
Chỉ bằng “vài phút nghỉ ngơi, thư giãn bằng các tác phẩm tinh thần cũng đủ để khích lệ tuyến đầu tiến lên”. Tiếp cho họ sức mạnh tinh thần trong cuộc chiến mà kẻ thù giấu mặt như lần này.
Cuộc thi nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên. Trong đó có nhạc sĩ đã nhiều năm gắn bó với công đoàn và có tác phẩm của về công đoàn. Và các nhạc sĩ tại TP Hồ Chí Minh - nơi ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh Covid-19, tập trung số lượng lớn nhạc sĩ là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là đoàn viên công đoàn.
Ngoài tác phẩm của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên, Ban Tổ chức cho biết cũng khuyến khích ca khúc do công nhân trực tiếp sản xuất hoặc cán bộ công đoàn nhưng có chất lượng cũng có thể trao giải.
Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ của Hội văn học nghệ thuật xác định nội dung sáng tác gắn với công nhân. Từ thực tiễn cho thấy, nhiều tác phẩm xuất sắc đề xuất phát từ thực tế gắn với người công nhân, lao động như Tôi là người thợ lò, Người thợ mỏ hôm nay ra đời từ cuộc thi sáng tác năm 1960. Ngoài các nhạc sĩ có kinh nghiệm, cán bộ làm công tác tuyên giáo, cán bộ làm công việc liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của tổ chức Công đoàn có thể tham gia.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu trao một số giải chuyên đề của Hội dành cho các tác phẩm đạt chất lượng.
congdoan.vn