Với những giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh ổn định và hiệu quả, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn xác định nâng cao thu nhập, đời sống, tinh thần, ăn, ở, đi lại cho công nhân, lao động là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đầu tư xây dựng nhà ở cho thợ mỏ. Đây cũng chính là điều kiện giúp cán bộ, công nhân yên tâm an cư lạc nghiệp, gắn bó và cống hiến lâu dài với ngành than.
Khu tập thể công nhân của Công ty Than Hòn Gai được đầu tư xây dựng hiện đại, đầy đủ công năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân
Hiện nay, hầu hết các đơn vị của TKV, nhất là khối sản xuất than hầm lò, đã xây dựng các khu tập thể khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt và vui chơi, giải trí như: truyền hình cáp, internet, phòng sinh hoạt chung, thư viện với hàng trăm đầu sách, báo, thậm chí cả siêu thị đồ dùng cá nhân. Đặc biệt, hầu như khu nhà ở nào cũng bố trí phòng khách, còn được gọi là “phòng hạnh phúc” để gia đình công nhân đến thăm có nơi ăn nghỉ.
Nhân rộng những mô hình mẫu
Khu tập thể công nhân 314 được coi là mô hình chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ Công ty CP Than Vàng Danh với quy mô 132 phòng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Hiện, khu tập thể này thu hút gần 400 công nhân trong đơn vị đăng ký ở. Được đầu tư 55 tỷ đồng xây dựng từ năm 2012 với hai lô nhà 5 tầng, đầy đủ công năng hiện đại, khu tập thể công nhân 314 đều được trang bị đầy đủ thiết bị sinh hoạt hiện đại, tiện ích như: thang máy phục vụ đi lại, wi-fi, căng tin, phòng tập thể thao trong nhà, phòng hát karaoke, khu thể thao ngoài trời, khuôn viên, tiểu cảnh, vườn cây... Đặc biệt, khu tập thể này có ba “phòng hạnh phúc”, tiện nghi sang trọng như khách sạn 4 sao phục vụ những dịp đoàn tụ của gia đình thợ mỏ. Công ty cũng đang tiếp tục xây dựng bể bơi bốn mùa, siêu thị Winmart+ ngay trong khuôn viên của khu tập thể để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể chất của công nhân.
Nhiều năm gắn bó với nghề mỏ, Tổ trưởng sản xuất phân xưởng K12 Bùi Đức Kiểm chia sẻ: Bản thân xa quê lập nghiệp, trước đây phải thuê trọ ở ngoài, điều kiện ăn ở rất khó khăn, an ninh trật tự rất phức tạp. Đến nay, được sự quan tâm của công ty, anh em thợ lò đã được đăng ký ở trong khu tập thể 314 với những điều kiện phục vụ sinh hoạt đầy đủ nhất, bản thân cùng các đồng nghiệp yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của công ty. Phó Quản đốc phân xưởng K12 Nguyễn Văn Sơn cho biết: So với thuê trọ bên ngoài, môi trường ăn ở, sinh hoạt tại khu tập thể 314 tốt hơn nhiều.
Chúng tôi coi khu tập thể công nhân 314 như ngôi nhà thứ hai của mình bởi mọi sinh hoạt rất thoải mái, sôi động, khiến thợ mỏ phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần, gắn bó với mỏ. Hầu hết các khoản chi phí nhà ở được công ty miễn giảm giúp công nhân tiết kiệm chi phí sinh hoạt. “Điều quan trọng nhất là sau những giờ làm việc vất vả, công nhân được thụ hưởng nhiều tiện ích chăm lo sức khỏe đời sống vật chất, tinh thần, giúp người thợ yên tâm, gắn bó làm việc tại công ty”, anh Sơn phấn khởi chia sẻ thêm. Theo Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh Nguyễn Văn Dũng, tính riêng năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 17 triệu đồng/người/tháng, riêng thợ lò đạt hơn 22 triệu đồng/người/tháng và toàn công ty có hơn 400 công nhân đạt mức thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.
Nhằm giúp công nhân “an cư, lạc nghiệp”, thời gian gần đây, nhiều đơn vị trong ngành than đã đầu tư, nâng cấp nhà ở tập thể cho thợ mỏ. Hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò cũng xây dựng các khu tập thể với đầy đủ tiện nghi dành riêng cho công nhân thợ mỏ như: Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Thống Nhất, Công ty Than Hạ Long... Dẫn chúng tôi đi tham quan khu tập thể của công ty, Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Ban Quản lý khu tập thể công nhân, Công ty Than Hòn Gai-TKV cho biết: Thợ lò của công ty được trang bị đầy đủ tiện nghi cần thiết cho một cuộc sống hiện đại, từ ti-vi, điều hòa, bình nóng lạnh, wi-fi đến máy giặt, nhà ăn, thư viện.
Phòng rèn luyện thể chất nằm ngay trong khu nhà, được trang bị đầy đủ dụng cụ và thiết bị hiện đại, phục vụ các hoạt động tái tạo sức khỏe cho thợ lò. Sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông cũng được bố trí trong khuôn viên khu tập thể, đáp ứng nhu cầu thể thao của thợ lò công ty. Hiện, Công ty Than Hòn Gai có ba khu tập thể dành cho công nhân ở với sức chứa gần 1.000 lao động. Trong đó, khu tập thể 5 tầng B được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2021 với giá trị đầu tư khoảng 65 tỷ đồng, đang bố trí 78 phòng ở phục vụ 312 người, là khu chung cư hiện đại nhất của Công ty Than Hòn Gai đến thời điểm này.
Cùng với việc xây dựng các khu tập thể, các đơn vị của TKV đang duy trì chương trình hỗ trợ xây mới nhà ở cho công nhân lao động, chương trình “Mái ấm công đoàn”. Kinh phí hỗ trợ cho mỗi ngôi nhà là từ 60 đến 150 triệu đồng, được trích từ các nguồn quỹ đóng góp của cán bộ, công nhân, lao động trong toàn Tập đoàn. Những chương trình xây nhà này đã thật sự trở thành điểm tựa cho công nhân, thợ mỏ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, giúp họ an cư lạc nghiệp, tuy nhiên số lượng hộ gia đình công nhân có nhu cầu nhà ở vẫn còn cao, đây cũng là trăn trở không chỉ của ngành than mà còn là của tỉnh Quảng Ninh.
Phòng tiếp khách khang trang tại khu tập thể công nhân Công ty Than Vàng Danh
Hiện thực hóa mục tiêu nhà ở cho công nhân
Hiện, việc bố trí nhà ở tập thể cho công nhân, người lao động của các đơn vị trong ngành than mới chỉ đáp ứng cho người lao động độc thân, chưa có các khu chung cư cho hộ gia đình cho nên vẫn còn có nhiều hộ gia đình công nhân phải đi thuê nhà ở với điều kiện sinh hoạt rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống gia đình và giảm chất lượng lao động.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, cùng với việc dành quỹ đất xây dựng các khu tập thể, chung cư cho công nhân, lao động, Tập đoàn đang hướng đến xây dựng mô hình “Làng công nhân mỏ” giai đoạn 2019-2030 nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở cho hộ gia đình thợ lò, tạo điều kiện cho thợ lò công tác lâu dài, thu hút được lực lượng lao động cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn, nhất là trong điều kiện sản xuất và huy động lực lượng của ngành than đang ngày càng khó khăn. Hiện, ngành than có gần 90 nghìn công nhân lao động, tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong 10 năm qua, TKV và các đơn vị thành viên đã đầu tư khoảng 30 dự án nhà ở tập thể với hơn 2.700 căn hộ. Tuy nhiên, đa số vẫn là căn hộ cho thợ mỏ độc thân, chưa có các khu nhà chung cư cho các hộ gia đình. Để thu hút người lao động an cư, lập nghiệp, giải pháp đầu tư nhà ở cho các hộ gia đình là phương án tốt nhất mà ngành than đang nỗ lực thực hiện.
Đồng hành với TKV, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống. Theo đó, từ nay đến năm 2025, TKV đề xuất với tỉnh tiếp tục quy hoạch xây dựng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích đất khoảng hơn 5ha, khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng chỗ ở cho 2.400 công nhân...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định: Nhà ở cho công nhân là vấn đề tỉnh đặc biệt quan tâm. Với quan điểm phải bảo đảm chi phí phù hợp nhất cùng điều kiện đi lại thuận lợi, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về thủ tục, quy hoạch để chuyển đổi quỹ đất TKV đang quản lý nhằm khuyến khích xây thêm nhiều khu nhà ở, phục vụ nhu cầu ổn định chỗ ở cho thợ mỏ, tập trung phát triển làng công nhân mỏ, gìn giữ bản sắc, văn hóa của người thợ mỏ Quảng Ninh.
Thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân ngành than nói riêng, nhà ở xã hội nói chung, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục rà soát bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Trong đó, sẽ ưu tiên sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2025./.
Nguồn: nhandan.vn