Hội nghị phổ biến về biến đổi khí hậu và triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26
Chiều ngày 29/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Hội nghị phổ biến về biến đổi khí hậu và triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26. Dự hội nghị có các đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương. Về phía TKV có PTGĐ Vũ Anh Tuấn; đại biểu Đảng uỷ Tập đoàn, Công đoàn TKV, Đảng uỷ TQN, các Ban chuyên môn Tập đoàn, Đoàn TN Tập đoàn, Đoàn TQN, lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trực thuộc Tập đoàn…
Quang cảnh tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn - Bộ TN&MT truyền đạt các nội dung về các kết quả của Hội nghị COP26; Quy định Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP; Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đặc biệt là Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với 197 nước tham dự đã đạt được những tiến bộ nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH).
Các đại biểu dự hội nghị
Trước những BĐKH, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác, do vậy cần phải xây dựng các liên minh hỗ trợ bao gồm các nước phát triển, các tổ chức tài chính, những nước có bí quyết kỹ thuật. Điều này rất quan trọng để giúp từng quốc gia mới nổi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá và thúc đẩy quá trình xanh hóa nền kinh tế của các nước. Hội nghị COP26 đã tạo ra một số nền tảng cho sự tiến bộ, bao gồm việc đưa ra những cam kết chấm dứt nạn phá rừng, giảm mạnh phát thải khí mê-tan, huy động tài chính tư nhân để đưa lượng khí phát thải ròng về mức 0.
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn - Bộ TN&MT truyền đạt các nội dung về các kết quả của Hội nghị COP26
Hội nghị cũng đã được nghe ThS. Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh - Bộ Công Thương truyền đạt chuyên đề về Ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, cơ chế chính sách thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên Thế giới và Việt Nam bao gồm các nội dung: Xu thế toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính - Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; Cơ chế chính sách của Thế giới và Việt Nam về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; Một số vấn đề cần quan tâm đối với TKV.
ThS. Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh - Bộ Công Thương truyền đạt chuyên đề về Ứng phó với biến đổi khí hậu
Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên Thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0". Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Trưởng Ban MT Tập đoàn Trần Minh Nghĩa đề nghị triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính của TKV; tiếp tục thực hiện tốt công tác BVMT nhằm nâng cao hiệu quả SXKD
Về huy động tài chính cho ứng phó với BĐKH có 46 quốc gia, 5 khu vực, 26 công ty toàn cầu ủng hộ tuyên bố chuyển đổi toàn cầu từ than sang năng lượng sạch, trong đó có Việt Nam; 141 quốc gia, gồm cả Việt Nam, tham gia Cam kết không khai thác gỗ từ rừng và bảo vệ rừng từ 2030; Đồng thời cam kết tăng nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững; 103 quốc gia, gồm cả Việt Nam, tham gia Cam kết Giảm phát thải ít nhất 30% phát thải khí mê-tan toàn cầu vào 2030 so với 2020…
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban MT Tập đoàn Trần Minh Nghĩa nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng, đã làm rõ những nội dung về Hội nghị COP26 và chương trình hành động của Việt Nam về BĐKH. Các nội dung được truyền đạt và thảo luận tại hội nghị đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị trên cơ sở công tác sẽ được triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính của TKV; tiếp tục thực hiện tốt công tác BVMT, để nâng cao hiệu quả SXKD, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công “Chiến lược phát triển của TKV giai đoạn đến 2030, định hướng đến năm 2040”. Đồng thời, cụ thể hoá và thực hiện tốt các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ đạo hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, địa phương và TKV nhằm góp phần thực hiện thắng lợi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Truyền thông TKV