Để có được bữa ăn ca đảm bảo sức khỏe, hạn chế rủi ro trong quá trình lao động, cán bộ công đoàn đề xuất sớm nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí có quy định rõ ràng về hàm lượng dinh dưỡng, định lượng, giá trị quy đổi calo.
Toàn cảnh hội nghị.
Ngày 28.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12.1.2017 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm có nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí có quy định rõ ràng hàm lượng dinh dưỡng, định lượng, giá trị quy đổi calo nhằm đảm bảo chất lượng cho bữa ăn ca đảm bảo sức khoẻ, hạn chế rủi ro trong quá trình lao động.
Trao đổi về nội dung này, TS Vũ Xuân Trung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - cho rằng, bữa ăn ca của công nhân lao động chưa hẳn là về tiền, mà quan trọng là dinh dưỡng của bữa ăn được cung cấp như thế nào, người ăn có tiêu thụ được hết không.
TS Vũ Xuân Trung cho biết: “Hiện Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động phối hợp cùng Nhà xuất bản Lao Động đang soạn thảo hướng dẫn bộ tiêu chí để xác định nhu cầu bữa ăn giữa ca của người lao động và hướng dẫn một số thực đơn mẫu để áp dụng. Khi có hướng dẫn này thì công đoàn giới thiệu, đề xuất hoặc thoả thuận với chủ sử dụng lao động” – TS Vũ Xuân Trung thông tin.
Theo dự thảo báo cáo, nhìn chung, 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH của các cấp công đoàn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động. Cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động đang từng bước được kiện toàn, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tính đến thời điểm tháng 6.2022, tổng hợp từ 62 báo cáo sơ kết gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy hầu hết các địa phương, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra…
Cũng theo dự thảo báo cáo, thống kê trong 5 năm từ 2017-2021, cả nước có tổng số 39.987 vụ tai nạn lao động làm 41.537 người bị nạn, trong đó có 4.465 vụ chết người và 4.698 người chết; bình quân mỗi năm xảy ra 8.000 vụ tai nạn lao động làm 8.300 người bị nạn. Số vụ tai nạn lao động chết người bình quân 900 vụ/năm, số người chết bình quân 940 người/năm. Tai nạn lao động giai đoạn 2017-2021 vẫn xảy ra cao, tuy nhiên, tần suất tai nạn lao động chết người giảm so với các năm trước.
Nguồn: congdoan.vn