Thi đua lao động sản xuất

Phóng sự ảnh: “Tôi là người Thợ lò”

Ngày đăng: 16/11/2023

Nói đến Thợ lò là nói đến một ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Một nghề đáng được xã hội tôn vinh. Công việc gian khó, nguy hiểm là thế, nhưng với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, Thợ lò chưa bao giờ lùi bước, họ vẫn kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Vì họ hiểu rằng “Càng gian khổ càng nhiều vinh quang”. Và cũng bởi Thợ lò luôn lạc quan vào cuộc sống, nên dưới hầm sâu, chỉ có ánh đèn lò xuyên màn đêm đen kịt hòa chung tiếng mìn nổ, tiếng máy, tiếng khoan, họ vẫn nghe rõ những âm thanh tươi đẹp của cuộc sống:
Tác giả: Hoàng Quốc Khương - Công ty Than Nam Mẫu

“Dưới hầm lò mà nghe rõ làm sao:
Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín,
Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng,
Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng,
Trong tiếng máy giục ăn than...”
 

Thợ lò đồng tâm hô khẩu hiệu an toàn trước khi vào ca sản xuất.

Công việc cần sự tập trung cao để đảm bảo an toàn, nên thợ mỏ luôn chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho mỗi ca sản xuất.



Đoàn kết là sức mạnh để thợ mỏ hoàn thành công việc.

Một điều dễ nhận ra đó là tính kỷ luật, yếu tố quyết định nhất đến hiệu quả công việc. Kỷ luật là điều mà bất cứ người thợ nào muốn tồn tại đều phải tuân thủ và là sợi dây gắn kết giữa các cá nhân với nhau, và tạo ra sức mạnh tập thể, chinh phục tự nhiên.
 
Hiện nay rất nhiều thiết bị tiên tiến trong nước và thế giới đã được các Công ty Than áp dụng, để phục vụ sản xuất. Những công nghệ thô sơ, đã dần được thay thế, bằng các máy móc hiện đại. khai thác thủ công đã dần được thay thế, bằng công nghệ tự động.
 
Công tác an toàn luôn được thợ mỏ khắc ghi trên từng công việc, cán bộ trực ca căn dặn công nhân, người có kinh nghiệm truyền lại cho người chưa có kinh nghiệm, thợ cũ kèm cặp thợ mới. Đây cũng là đặc trưng rất riêng của thợ mỏ, họ không giấu nghề như bao nghề khác, họ chia sẻ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 



Công tác khoan nổ mìn và khấu than tại lò chợ, một trong những công đoạn quan trọng nhất để đưa những tấn than ra lò.

Càng xuống dưới sâu, không khí càng ngột ngạt, nóng bức, mặc dù công tác thông gió mỏ đã được cải thiện đáng kể, nhưng mồ hôi vẫn ướt đẫm khuôn mặt đen sạm và lưng áo của người thợ mỏ.
 



Các công việc đều được thực hiện theo sự phân công của đơn vị, người  nào việc ấy, tạo thành một chu trình khép kín.
 
Một ngày làm việc của thợ mỏ được khép kín 24 giờ, và được chia thành ba ca, mỗi ca tám tiếng. Khi từng tốp công nhân từ dưới hầm lò tan ca trở lại mặt đất, cũng là lúc những đồng nghiệp của họ đi xuống, tiếp tục ca mới.
 
 


Một ca làm việc trôi qua, thợ mỏ trở lại mặt đất, người thợ mỏ nhuộm một màu da mới, màu của than, màu đặc thù nghề nghiệp của người thợ lò và đó cũng là màu của vàng đen quý giá. Cảm giác được hít thở một hơi thật dài, mùi không khí tươi mát trên mặt đất so với sự ngột ngạt ở hầm lò, đó là sự hạnh phúc khó tả, người thợ mỏ thầm tự hào, vì đã đóng góp một phần công sức để những tấn than ra lò, mang năng lượng đi xây dựng quê hương đất nước, và cũng thầm cảm ơn những người “hậu phương”, đã âm thầm đồng hành tiếp thêm sức mạnh, để họ an toàn trong mỗi ca sản xuất.
 

Chia sẻ bài viết: