Tin tức

Quá trình “Nghệ sĩ hóa” thợ mỏ

Ngày đăng: 5/11/2018

Không chỉ tạo ra đội ngũ công nhân mỏ tinh nhuệ có truyền thống kỷ luật và đồng tâm, ngành Than còn là nơi sản sinh ra lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu.

Nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh xuống lò sáng tác tại Công ty than Khe Chàm. Ảnh tư liệu của TKV
 
Văn nghệ sĩ thợ mỏ trưởng thành từ môi trường khắc nghiệt nhất đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật được công chúng ghi nhận và góp phần làm nên một Vùng mỏ có nhiều dấu ấn văn hoá. Về văn học phải kể đến Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Văn Chư, Trần Đình Nhân, Vũ Thảo Ngọc, Ngô Xuân Hội, Đào Ngọc Vĩnh, Lê Xuân Nguyện, Lương Vĩnh Phúc, Hoàng Văn Lương, Trần Ngọc Tảo, Trần Tâm, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Ngọc Sính, v.v..
 
Võ Huy Tâm với tiểu thuyết “Vùng mỏ”, Tô Ngọc Hiến với “Người kiểm tu”, Võ Khắc Nghiêm với “Mảnh đời của Huệ”, Sỹ Hồng với “Thành phố thời mở cửa” là những tác giả, tác phẩm không thể không nhắc đến của văn học công nhân. Từ thợ mỏ thành nhà văn, Võ Huy Tâm đã đóng góp vào kho tàng văn chương Việt Nam tiểu thuyết “Vùng mỏ”, tập truyện ngắn “Chiếc cán búa”, tiểu thuyết “Những người thợ mỏ” đã phản ánh sinh động hiện thực vùng than và đời sống của những người công nhân mỏ mà nhà văn đã từng sống, làm việc, lăn lộn với họ. Với những sáng tác văn học giàu tính hiện thực của mình, năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
 
Về mỹ thuật, nhiều người từ công nhân đã trở thành hoạ sĩ vững tay nghề, được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, như: Nguyễn Hoàng (vốn là công nhân mỏ Hà Lầm), Bùi Đình Lan và Lê Vân Hải (vốn là công nhân mỏ Đèo Nai), Ngô Phương Cúc (vốn là công nhân mỏ Hà Tu), Phạm Phi Châu (công nhân Nhà máy cơ khí Cẩm Phả). Nắm bắt, am hiểu đề tài, lại được nhiều bậc thầy hội hoạ xuống Quảng Ninh thực tế dìu dắt nên nhiều thợ mỏ có năng khiếu và đam mê hội họa đã nhanh chóng trưởng thành.
 
Đặc biệt, có những họa sĩ gần như độc nhất chỉ vẽ mảng đề tài về mỏ như hoạ sĩ Ngô Phương Cúc cả đời chỉ vẽ về mỏ Hà Tu với các tác phẩm được đánh giá cao như: “Máng than Lộ Phong”, “Máy xúc 2 Hà Tu”,  “Công trường than”, v.v.. Quảng Ninh cũng đã từng tổ chức được những triển lãm mỹ thuật về đề tài công nhân mỏ; có 4 họa sĩ có tác phẩm lọt vào triển lãm toàn quốc về đề tài công nhân năm 1984 là Nguyễn Hoàng, Bùi Đình Lan, Ngô Phương Cúc và Lê Chuyền.
 
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, có nhiều tay máy đã hoặc đang gắn bó với ngành than như: Hào Minh, Đoàn Đạt, Đoàn Đức, Đỗ Kha, Khắc Đạm, Quang Trong, Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Huấn, Dương Phượng Đại, Đoàn Trung, Ngọc Anh, Phạm Cường... Nhiều bức ảnh về đất và người Vùng mỏ đã được bạn bè trong nước chú ý như: Bạn của mẹ, Nắng xóm thợ (Đoàn Đức), Em bé người Dao (Nguyễn Ngọc Huấn), Tĩnh lặng (Quang Trong) v.v..
 
Trong lĩnh vực sân khấu, có các nghệ sĩ từng công tác ở ngành Than như: Văn Tuất, Thanh Việt, Vân Anh, Phan Cầu, Trần Câu, Quý Sinh, Văn Tích, Đức Nhuận, Lê Thêm, Hoa Lý, Thu Thủy, v.v.. Họ đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ công nhân mỏ, phục vụ các huyện biên giới, hải đảo và vào Trường Sơn phục vụ chiến trường. Trên sân khấu ca nhạc, có những người công nhân mỏ đã đi lên con đường chuyên nghiệp như: NSND Quang Thọ, ca sĩ Hoàng Thái, Lương Ngọc Diệp v.v.. Âm nhạc phải kể đến các nhạc sĩ như: Lê Nguyên Thêm, Văn Tích, Vũ Đạm, Đức Nhuận, Phạm Hữu Thắng, v.v..
 
Theo ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, hiếm có ngành kinh tế nào ở nước ta lại sản sinh ra nhiều tài năng VHNT như ngành Than. Khi thợ mỏ là văn nghệ sĩ nghĩa là cái tầm văn hoá được nâng cao. Ngành Than đã nhìn ra quá trình "nghệ sĩ hóa" thợ mỏ và tạo chất xúc tác để cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn, tạo điều kiện cho công nhân phát triển yếu tố trí tuệ, tính cách cá nhân, để thợ mỏ có đam mê, có ý thức sáng tạo thì họ thành văn nghệ sĩ.
 
Ngược lại, khi đã trở thành văn nghệ sĩ, những cựu thợ mỏ quay trở lại đóng góp cho ngành Than bằng tác phẩm nghệ thuật. Họ đã đưa hình ảnh đất và người Vùng mỏ hiện lên sinh động trong mỗi tác phẩm, tạo ra sự kết nối bền chặt, có giá trị to lớn không chỉ phục vụ cuộc sống trước mắt mà là lâu dài. Đến bây giờ các tác phẩm của các văn nghệ sĩ vẫn có vị thế quan trọng trong VHNT Quảng Ninh.
 
Tạo điều kiện để văn nghệ sĩ ngành Than tích cực sáng tác, biểu diễn VHNT, ngay từ năm 1979, Chi hội VHNT Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của Tổng Công ty Than Việt Nam, sau này là TKV) ra đời và là chi hội VHNT đầu tiên của một đơn vị kinh tế trong cả nước. Chi hội tổ chức nhiều trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thợ mỏ, làm “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm VHNT lớn ra đời. Năm 1995, ngành Than đã thành lập CLB Văn hoá công nhân chắp cánh cho sáng tác của các văn nghệ sĩ công nhân. Sách công nhân viết ra, triển lãm tranh, ảnh của công nhân được tài trợ. Nhờ sự quan tâm đó, lực lượng văn nghệ sĩ ngành Than đã và đang được bổ sung và có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều hội viên đã nhận được những danh hiệu cao quý của tỉnh, của Trung ương. Đến nay, trong ngành Than đã có 1 NSND, 1 NSƯT, 50 người là Nghệ sĩ Vùng mỏ, nhiều người được tặng huy chương tại các kỳ hội diễn, có 2 nhà văn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Nguồn: baoquangninh.com.vn

Chia sẻ bài viết: