Sau 9 tháng triển khai thực hiện giai đoạn 2 đề án “Hỗ trợ nữ CNLĐ khó khăn phát triển kinh tế gia đình”, Công đoàn TKV đã góp phần tích cực cải thiện điều kiện kinh tế cho gia đình nữ CNLĐ.
Công đoàn TKV tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi gà của gia đình chị Phạm Huy Hồng (Công ty Than Uông Bí).
Theo Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân, Ban Thường vụ Công đoàn TKV đã sát sao chỉ đạo triển khai đề án "Hỗ trợ nữ CNLĐ khó khăn phát triển kinh tế gia đình"; cùng với Ban Chỉ đạo đề án, sự phối hợp của cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc của các cấp công đoàn đã hỗ trợ kinh phí kịp thời để triển khai đề án giúp nữ CNLĐ khó khăn được thụ hưởng. Qua đó, các gia đình đã tìm tòi học hỏi các mô hình, đối tượng con giống, vật nuôi; được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cụ thể từ nhà cung cấp con giống vật nuôi khoẻ mạnh, tiêm phòng đầy đủ. Nữ CNLĐ được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình chăm chỉ, chịu khó chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Đề án đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống cũng như kinh tế gia đình các nữ CNLĐ khó khăn.
Theo thống kê của Công đoàn TKV, trong tổng số 48 gia đình được hỗ trợ, có 36 gia đình triển khai mô hình chăn nuôi gà; 9 gia đình thực hiện mô hình chăn nuôi lợn; 2 gia đình triển khai mô hình chăn nuôi cả lợn, gà; 1 gia đình triển khai mô hình chăn nuôi dúi mốc nhỏ. Số lượng con giống, vật nuôi hỗ trợ ban đầu gồm 600 con gà giống Tiên Yên (24%), 1.853 con gà giống bản địa (76%), 13 con lợn giống (67%), 10 con lợn bột (43%), 50 con dúi mốc nhỏ (100%).
Mức hỗ trợ bình quân đối với gà giống Tiên Yên/bản địa là 150.000 đồng/con; lợn giống/lợn bột là 6.000.000 đồng/con; dúi mốc nhỏ 250.000 đồng/con. Kinh phí hỗ trợ bao gồm: Con giống, vật nuôi, chi phí thuốc phòng bệnh, chi phí cải tạo chuồng, trại chăn nuôi, thức ăn, chăm sóc ban đầu cho các gia đình.
Hiệu quả đạt được cả giai đoạn (tính đến 31/7/2024) với tổng chi phí cho chăn nuôi là trên 621 triệu đồng; tổng kinh phí thu được từ chăn nuôi là 983,8 triệu đồng; tiền lãi cả giai đoạn là 362,8 triệu đồng.
Công đoàn TKV tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi gà của gia đình chị Phạm Thị Huệ (Công ty CP Than Mông Dương).
Chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân Phân xưởng đời sống 2, Công ty Than Uông Bí, chia sẻ: Tôi được hỗ trợ nuôi 100 con gà giống Tiên Yên, gia đình có sẵn hệ thống chuồng trại để chăn nuôi, vườn chăn thả rộng, có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên thời điểm hiện tại sau khi quay vòng tái đàn, gia đình tôi có đàn gà lên đến 360 con, hiệu quả chăn nuôi rất cao.
Còn chị Phạm Thị Huệ, công nhân Công ty CP Than Mông Dương, cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ nuôi 70 con gà Đông Tảo, đã tự tái đàn bằng cách cho gà đẻ trứng và tự cho ấp gà giống, gây đàn mới. Là giống gà đặc sản nên giá thành bán cao, hiệu quả khá tốt.
Mặc dù còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn con giống chưa đảm bảo, nhưng kết thúc giai đoạn 2 đề án đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, có lãi, các gia đình nỗ lực cố gắng thực hiện đề án, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc con giống, vật nuôi, tạo tiền đề cho các gia đình gây giống duy trì cho giai đoạn tiếp theo, phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình, có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Đa số CNLĐ được hỗ trợ đều lựa chọn mô hình chăn nuôi gà.
Các gia đình căn cứ định mức hỗ trợ, nghiên cứu thực tế của thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm gia đình để tính toán triển khai thực hiện hiệu quả đề án. Ngoài nguồn tài chính hỗ trợ, các hộ tận dụng thức ăn thừa của các gia đình, đơn vị, tự kiếm thêm nguồn thực phẩm tự nhiên như rau xanh, cây chuối… để tiết kiệm chi phí. Các đơn vị thực hiện hiệu quả đề án là: Công ty Than Uông Bí, Công ty CP Than Mông Dương, Công ty CP Than Vàng Danh, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc…
Thanh Hằng - Báo Quảng Ninh