Tin Tổng liên đoàn

Tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với ngành nghề, công việc

Ngày đăng: 9/4/2019

Tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với ngành nghề, công việc, là ý kiến của nhiều CNLĐ trong buổi tiếp xúc các Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1 (TPHCM) tại “Diễn đàn bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ)” do Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, Tổng LĐLĐVN, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến đầu tư cho phụ nữ tổ chức tại TPHCM tối 6.4.

 
Nhiều CNLĐ kiến nghị khi sửa đổi BLLĐ phải lưu ý việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc, xem xét cho phù hợp với điều kiện lao động, lĩnh vực, ngành nghề. Bởi lẽ, CNLĐ trực tiếp ở những ngành dệt may, da giày, chế biến thủy-hải sản, gia công đồ gỗ,… đến 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam thì sức khỏe đã kém, không bảo đảm để tiếp tục làm việc có hiệu quả. Trong khi đó, những người làm việc văn phòng, những người nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cao vẫn còn sức khỏe để làm việc. Tương tự, với quy định về tăng ca, đa phần CNLĐ trực tiếp đều mong muốn giữ nguyên thời gian tăng ca như hiện nay (200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ) bởi CNLĐ cần thời giờ để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, con cái, tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cá biệt có cá nhân đề nghị tăng giờ làm thêm để cho NLĐ nhập cư có điều kiện kiếm thêm tiền để lo cho gia đình.
 
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, quan điểm của Tổng LĐLDVN là nếu có tăng tuổi nghỉ hưu thì phải xem xét cho phù hợp với điều kiện thực tế của NLĐ. Về thời gian làm thêm, nếu có tăng thì phải bắt buộc tuân theo nguyên tắc NLĐ đồng ý, người sử dụng lao động mới được tăng ca, còn không thì thôi, NLĐ không làm thêm cũng không sao. Việc lấy ý kiến của CNLĐ, những người chịu tác động trực tiếp của BLLĐ, sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước, Quốc hội, có cái nhìn đa chiều, thực tế hơn về đời sống, việc làm, thu nhập, điều kiện lao động… của NLĐ, trên cơ sở đó chuẩn bị, ban hành các quy định phù hợp.
 
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, quy định về phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc trong BLLĐ còn chung chung, chưa cụ thể, đặc biệt là chế tài không rõ ràng nên tình trạng QRTD còn xảy ra nhiều nơi. Có công nhân (CN) đề nghị, cần bổ sung quy định để cho người khác tố cáo thay nạn nhân bị QRTD, bởi thực tế nhiều khi người bị QRTD rất ngại bị ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm hay bị trù dập, trả thù, thậm chí mất việc làm. Nhìn nhận các ý kiến trên, bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - cho biết, do chưa có chế tài cụ thể trong luật, nên thực tế nhiều doanh nghiệp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ; đồng thời nhiều nạn nhân còn ngại ngần khi nói ra dẫn đến khó khăn trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Dự thảo BLLĐ đã có những sửa đổi về khái niệm QRTD và có chế tài cụ thể hơn. 
Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: