Nhiều quan ngại của người lao động
Trao đổi tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến bày tỏ băn khoăn, chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Chị Phạm Hải Hà, Chủ tịch CĐCS Cty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam cho biết: Để lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, công ty đã phát phiếu lấy ý kiến của 400 công nhân lao động. Kết quả, chỉ có 2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ; 5/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi hưu đối với nam. Người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do quan ngại về sức khỏe không đáp ứng yêu cầu cũng như người sử dụng lao động sẽ không sử dụng, không nhận lao động lớn tuổi khi có sự chuyển dịch lao động.
Cùng quan điểm với chị Hà, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (48 tuổi, công nhân may Thái Nguyên) cho biết do đặc thù công việc nên mắt kém và mờ rất nhanh, càng lớn tuổi nhìn càng không rõ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu muộn, chúng tôi sẽ không theo được, nghỉ sớm thì lương thấp không đủ để trang trải cuộc sống. “Cá nhân tôi không hề mong muốn"- chị Hiền bày tỏ.
Gắn bó với nghề giáo 15 năm, chị Đinh Bích Hà, Phó hiệu Trưởng trường mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị cho biết nhiều cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đều không muốn nâng tuổi nghỉ hưu. “Nếu làm việc 55 tuổi thì chúng tôi cũng đã có hơn 30 năm công tác. Ngày nào cũng bắt đầu từ 7h sáng với các công việc từ dọn lớp, đón trẻ, hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ, đến trưa lại cho các con ăn rồi ngủ. Các cô cũng chỉ có khoảng nửa tiếng để nghỉ trưa. Tính ra mỗi ngày phải làm việc từ 10-11 giờ. “Với cường độ lao động như vậy, giáo viên cần rất nhiều năng lượng để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui. Chưa kể đến trong bối cảnh hiện nay, giáo viên phải thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin, ngoại ngữ, mỗi tháng tổ chức sự kiện bên ngoài cho các con 1 lần. Do đó tôi mong muốn có những quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non", cô Hà đề nghị.
Cần trao quyền quyết định nghỉ hưu cho người lao động
Đó là ý kiến của chị Hà Thanh Vân, Phó hiệu trưởng Học viện Phụ nữ Việt Nam. “Tuổi nghỉ hưu cần được tính toán dựa trên nguyên tắc hợp lý; nguyên tắc đóng hưởng; nguyên tắc bình đẳng giới và công bằng giới. Nhà nước nên đưa ra trần nghỉ hưu và trao quyền quyết định nghỉ hưu cho người lao động” – chị Vân nói.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Vấn đề tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có sự thay đổi rất quan trọng, đó là thay vì quy định “có thể được nghỉ hưu” bằng quy định “có quyền được nghỉ hưu” cả với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi cũng như các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần đặc biệt được cân nhắc, xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về sự thay đổi mang tính “bản chất” này.
Để có nhìn nhận đầy đủ và chính xác việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra hai nội dung cần lưu ý. Một là, việc điều chỉnh tuổi hưu của nam lên 62 tuổi và nữ 60 tuổi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là những người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Hai là, những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn như quy định hiện hành (tức là vẫn được giảm 5 năm).
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động cho rằng vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm và thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng và chất lượng cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; phù hợp với xu hướng già hóa dân số và tính chất của từng loại hình lao động. Cần cân nhắc, xem xét có nên tăng hay không và tăng ở mức thấp tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của các dối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học. Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp tự họ; giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Hai phương án tăng tuổi hưu
• Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
• Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi sáu tháng đối với nữ. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Tuổi nghỉ hưu bình quân nữ giới là 51,7 tuổi
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 tuổi, trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày…).
|