Ngày 11/9, tại Quảng Ninh, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về tình hình sản xuất, việc làm, đời sống người lao động và tham gia Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh. Về phía TKV có các đồng chí: Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV và các đồng chí Thành viên HĐTV; Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn TKV; các Phó TGĐ: Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Đình Thịnh; lãnh đạo Đảng ủy TQN…
Báo cáo về tình hình sản xuất, việc làm, đời sống người lao động, đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV cho biết, 8 tháng năm 2019, TKV đã hoàn thành tốt kế hoạch SXKD. Tính đến hết tháng 8/2019, TKV đã sản xuất được 27,18 triệu tấn than nguyên khai, đạt 68% KHN; than tiêu thụ gần 30 triệu tấn, đạt 71% KHN và tăng 7% so với cùng kỳ; doanh thu bán than đạt gần 50.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực sản xuất khác đều đạt tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Công tác chăm lo, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động tiếp tục được TKV quan tâm bằng nhiều hình thức, thực hiện tốt chế độ phúc lợi cho người lao động; tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 11,6 triệu đồng/người-tháng; trong đó khối than đạt 12,95 triệu đồng/người-tháng; tiền lương bình quân của thợ lò đạt 18,1 triệu đồng/người-tháng, tăng 4,2% so với 2018… Đặc biệt, năm 2018 TKV có gần 800 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), TKV nhất trí với khung thỏa thuận về thời gian làm thêm 100 giờ/năm như đề xuất trong dự thảo. Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, TKV nhất trí với phương án 1 của dự thảo (kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035; tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028). Tuy nhiên, TKV cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét cơ chế cho từng nhóm lao động cụ thể và đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 11/11/2015 (từ đủ 50 tuổi trở lên).
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã phát biểu những nội dung sửa đổi liên quan đến lao động của TKV, các vấn đề đặc thù của ngành Than, đặc biệt là lao động hầm lò… Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo thảo luận trong các cấp công đoàn để tổng hợp phản ánh đến cơ quan soạn thảo, nhiều ý kiến đã được tiếp thu. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham gia của TKV, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến CNLĐ ngành Than…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là vì người lao động, vì doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của TKV trong việc duy trì ổn định sản xuất, việc làm và phát triển, thể hiện qua kết quả SXKD năm 2018 và 8 tháng năm 2019, TKV đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc chăm lo đời sống cho người lao động.
Những ý kiến đóng góp của TKV đối với dự thảo Bộ Luật Lao động có vai trò quan trọng, bởi TKV là một trong những Tập đoàn lớn, có số lượng lao động lớn nhất trong toàn quốc, với những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng lưu ý, Ban soạn thảo cần lắng nghe những ý kiến đề xuất của TKV trên tinh thần tiếp thu và cầu thị, bàn bạc, trao đổi để có sự thống nhất cao. Bộ trưởng khẳng định, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động nhằm mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa - ổn định - tiến bộ và mong muốn TKV tăng cường công tác tuyên truyền Bộ luật Lao động (sửa đổi) một cách đầy đủ, sâu sắc để người lao động hiểu đúng, đủ và ủng hộ. Đồng thời đề nghị, Tập đoàn tiếp tục chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả SXKD và chăm lo cho người lao động ngày càng tốt hơn về điều kiện sản xuất, phúc lợi xã hội để thu hút lao động; quan tâm đến lao động là dân tộc thiểu số và lao động nữ. Đặc biệt, quan tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong điều kiện môi trường làm việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Bên cạnh đó, TKV cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương phù hợp với đặc thù công việc, nhất là đối với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm…
Việt Trung