Tin Tổng liên đoàn

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ sáu (khóa XII)

Ngày đăng: 4/7/2020

Sáng 4/7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ sáu (khóa XII) đã bế mạc sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Tại đây, đại diện Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quán triệt thực hiện Thông báo số 160-TB/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Hội nghị; nghiên cứu thảo luận và thực hiện các quy trình về công tác cán gồm bầu cử, bổ sung ủy viên ban chấp hành, tiến hành lấy phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch và quy hoạch các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng doàn, Đoàn Chủ tịch quản lý nhiệm kỳ 2028 – 2023 và nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ngoài ra, còn có tham luận của một số LĐLĐ địa phương và Công đoàn ngành Trung ương về kết quả nổi bật trong hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2020.
 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hội nghị đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”. Đây là chương trình dự kiến tác động đến toàn hệ thống, nhất là trong bối cảnh có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời đòi hỏi các cấp công đoàn phải triển khai chương trình quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt phát huy mặt tích cực của công tác truyền thông, hạn chế mặt tiêu cực, tạo sự đồng thuận của đoàn viên, người lao động và sự hỗ trợ của toàn xã hội để xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh. Các nội dung, tờ trình còn lại hầu hết các ý kiến đều đồng tình, nhất trí để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đại dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, việc duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn trực tiếp gây ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người lao động về việc làm, thu nhập, có thể phát sinh những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động, nhất là vào dịp cuối năm

Do vậy, để hoàn thành được mục tiêu kép - đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động và tiếp tục thực hiện việc phòng, chống dịch, cũng như chủ đề năm “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm 2020, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn bên cạnh bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung vào 4 nội dung chủ yếu, trước tiên là đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chủ đề hoạt động năm 2020 ”Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, tập trung củng cố các công đoàn cơ sở còn yếu.

Các cấp công đoàn chủ động rà soát cắt giảm, điều chỉnh các nội dung, nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; phấn đấu thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ phần mềm Voffice trong tất cả các công đoàn ngành, địa phương.

Hai là, về nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động. Các cấp công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện gói hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn theo Quyết định số 643 đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Tham gia giám sát việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ theo quy định; kịp thời báo cáo về khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; khuyến khích các cấp công đoàn tích cực huy động nguồn lực xã hội, mở rộng các đối tác phúc lợi để mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá tình hình biến động đoàn viên chốt thời điểm đến 30/6 và tiếp tục theo dõi trong những tháng tới. Đánh giá chính xác tình hình mất việc, giãn việc, giảm thu nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là dịp Tết Tân Sửu 2021 sắp tới.

Ngoài ra, cần tăng cường nắm tình hình quan hệ lao động, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2020. Tích cực tham mưu cấp ủy đảng và phối hợp với chính quyền cùng cấp dự báo, đánh giá tình hình và có các giải pháp ổn định tình hình quan hệ lao động. Tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại để giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động, đảm bảo các chế độ chính sách với người lao động.
 

Cùng với đó là, tổ chức các hình thức lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động sửa đổi. Có các giải pháp về truyền thông, thông tin để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình sửa đổi luật công đoàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi người lao động, nhất là Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Xây dựng lực lượng nòng cốt để kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người lao động, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, đổi mới quy trình, tìm kiếm thị trường; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống công đoàn để dành nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên và người lao động, giúp họ ổn định việc làm, thu nhập và đời sống.

Ba là, trong công tác tổ chức thì cần tập trung thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương vận động chủ sử dụng lao động thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên.  Quán triệt làm tốt nhiệm vụ công đoàn tham gia đại hội đảng các cấp, nhất là vấn đề giới thiệu nhân sự công đoàn tham gia cấp ủy và đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội. Tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đoàn viên, người lao động góp ý vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Triển khai kế hoạch sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu “Các tỉnh, thành phố tổng kết, báo cáo về tình hình tổ chức bộ máy, tình hình thực hiện biên chế từ năm 2005 đến nay, dự báo nhu cầu sử dụng biên chế trong những năm tiếp theo báo cáo để Tổng Liên đoàn đề xuất Ban Tổ chức Trung ương khảo sát thực tế xây dựng hướng dẫn quản lý và giao biên chế đối với cơ quan công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện theo Quyết định 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư”.

Bốn là, công tác tài chính, kiểm tra, giám sát. Các cấp công đoàn tăng cường quản lý công tác thu, chi tài chính công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc quản lý tài chính, tài sản và thu, chi tài chính công đoàn.

Trên tinh thần đó, thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII,  đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành chỉ đạo các cấp công đoàn cụ  thể hóa cho phù hợp với tình tình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp và nhiệm vụ công tác năm đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản