Công tác Tuyên truyền

Cảm nhận về cuốn Tiểu thuyết “Ánh đèn lò” của Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

Ngày đăng: 18/3/2017

Tôi rất vui mừng và xúc động được trở lại Công ty than Mạo Khê, Quảng Ninh, một trong những cái nôi đầu tiên của phong trào công nhân mỏ cả nước có truyền thống yêu nước, cách mạng và đổi mới...để tham dự cuộc tọa đàm giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Ánh Đèn lò” của nữ Nhà văn Vũ Thảo Ngọc được tổ chức vào ngày 15/3 vừa qua.

Thưa các đồng chí và các bạn!
Chiều ngày 06/01/2017, tôi từ quê ra Văn phòng TKV - 226 Lê Duẩn, Hà Nội họp báo, rẽ qua văn phòng tôi được Vũ Thảo Ngọc tặng cuốn tiểu thuyết - đứa con tinh thần vừa ra đời mang tên “Ánh đèn lò”. Với gần 200 trang sách từ trang trí bìa đến nội dung bên trong đều đơn giản, nhẹ nhàng, dung dị như bản chất của những người thợ lò. Tôi đã đọc say sưa hết cuốn sách sau một đêm khi đi họp báo về. Từ lời giới thiệu đến các trang viết đã cuốn hút tôi bởi tôi thấy trong đó cũng có một phần của tuổi trẻ đã đi qua của đời mình. Tháng 9/1975, lần đầu tiên tôi được đi tham quan Đội đào lò 56 - Công trường Thanh niên cộng sản xây lắp mỏ Mạo khê. Sau đó vài năm tôi cũng đã đi lò giếng nghiêng mỏ than Làng Cẩm - Bắc Thái, vào lò bằng với thợ mỏ than Khe Bố - Nghệ Tĩnh, những năm cuối khi sắp rời xa vị trí của mình ở Ngành than tôi lại đến với thợ đào lò mỏ than Khánh Hòa, Thái Nguyên... Suốt cả một chiều dài hơn 4 thập kỷ gắn bó với than với những người thợ mỏ mà tôi yêu quý, gắn bó, tôi cũng đã dành hết cả tình yêu cho họ trên những trang văn, thơ, phim, ảnh... “Tôi đã ăn cùng Than và ngủ cũng với than. Gió núi mưa ngàn, không ngăn nổi bước chân tôi với mỏ”! Về tuổi đời, nghề mỏ cũng như đi vào nghiệp viết có thể tôi đã là người đi trước Vũ Thảo Ngọc ít, nhiều. Nhưng khi đọc những trang viết của Thảo Ngọc trong  “Ánh đèn lò” không hiểu sao tôi cứ rưng rưng xúc động, vì cũng thấy có một phần cuộc đời của mình trong đó, nó vô tư, nhẹ nhàng nhưng chất chứa một sự nhọc nhằn của tuổi thơ đầy khốn khó. Những người thợ thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy ra đi làm mỏ không có mấy ai tính toán thiệt hơn, nó vô tư, đơn giản. Những thanh niên nông thôn ở vùng quê Bắc bộ được tuyển chọn ra mỏ học nghề, ai tìm được tình yêu và gắn bó lâu dài thì ở lại với mỏ, có người sức khỏe tốt lại phải xa mỏ ra mặt trận tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để rồi có nhiều người không bao giờ được quay trở lại vì họ đã hóa thân vào đất ở chiến trường góp phần làm tươi thắm cho mầu xanh đất nước. Những mẫu người thợ mỏ như Đào Văn Đáo, kỹ sư Nam... trong “Ánh đèn lò” nó gần gũi, thân thương mà xem ra trong cả đội ngũ trùng trùng, điệp điệp của hàng chục vạn thợ mỏ Việt Nam ta vẫn thấy xuất hiện rất nhiều ở đâu đó. Rất điển hình, rất đặc trưng cho tính cách người thợ mỏ “ăn to, nói lớn, trung thực, thẳng thắn, sống vô tư, trong sáng, hết mình vì đồng nghiệp”.

Từ thực tiễn cuộc sống tôi đã nhận ra rằng hoàn cảnh lịch sử, đặc thù nghề nghiệp, tình yêu và sự gắn bó với nghề thợ mỏ đã tạo nên giá trị nhân văn trong sáng, cốt cách hào hoa và bản lĩnh tự tin như những người hiệp sĩ coi thường cả sự hiểm nguy đến tính mạng... Họ sẵn sàng hy sinh vì đồng nghiệp bởi cái nghề thợ mỏ thật vô cùng gian khổ, các yếu tố nguy hiểm luôn rình rập. Có thể nói không quá nên rằng: Nghề mỏ là một trong những nghề gian khổ nhất trong các nghề. Khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã khẳng định “Ngành sản xuất Than cũng như quân đội đánh giặc...” nói như vậy để thấy sự hy sinh cao cả những người thợ trên mặt trận khai thác than làm giầu cho Tổ quốc nó cũng thấm đẫm biết bao mồ hôi, sức lực, trí tuệ và cả máu xương của người thợ đã đổ xuống để làm ra những tấn than. Hơn ai hết chỉ có những ai trong nghề và yêu nghề mỏ mới hiểu được những giá trị cao quý của những hòn than được lấy từ lòng đất. Những người thợ mỏ và gia đình của họ luôn sống một cuộc sống giản dị như bao người, không đòi hỏi gì nhiều cho riêng mình mà chỉ mơ ước cho đất nước, cho đồng nghiệp và gia đình của mình có cuộc sống bình yên coi đó là hạnh phúc. Điều tôi thấy cảm phục Nhà văn Vũ Thảo Ngọc mặc dù cũng xuất thân là thợ mỏ nhưng nghề đó không thể gắn bó lâu dài với những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Vậy mà Thảo Ngọc đã xung kích đi thẳng vào một đề tài có thể là gai góc với cả những người cầm bút viết là nam giới. Đọc xong cuốn sách, tôi cứ nghĩ rằng việc khen hay chê thì không có ý nghĩa nhiều lắm bởi sự khám phá, tìm tòi, phát hiện, sự nhọc nhằn trong việc tìm câu chữ, cả ngôn ngữ riêng của thợ lò... mà Vũ Thảo Ngọc đã đưa được vào trang sách thì cũng đã là một thành công đáng ghi nhận. Là một cựu thợ mỏ, một người anh và là bạn viết của Vũ Thảo Ngọc, tôi chân thành chúc mừng sự thành công của Vũ Thảo Ngọc. Chúc cho Nhà văn tiếp tục tiến bước trên con đường đồng hành với thợ mỏ, gặt hái thêm nhiều thành công về đề tài Thợ mỏ, những người mà chúng ta ai cũng yêu mến, kính trọng.
Mừng em có “Ánh đèn lò”
Đem thêm ánh sáng đến cho mọi người
Cuộc đời này thật đẹp tươi
Hai trăm trang sách rạng ngời niềm tin
Mong ai thay đổi cách nhìn
Tình yêu thợ mỏ trong tim mọi nhà
Chúc cho Ngành mỏ chúng ta
Thành vườn hoa thắm chan hòa sức xuân...
Nguyễn Quang Tình
 
 

Chia sẻ bài viết: