Nhớ về kỷ niệm xưa…
Những năm đầu mới giải phóng, trong giai đoạn những năm 1955 -:- 1959, phong trào công nhân mỏ Đèo Nai là khôi phục lại sản xuất, người công nhân thực sự làm chủ dưới chế độ XHCN, Đèo Nai chỉ là một công trường trực thuộc Xí nghiệp than Cẩm phả, với các trang thiết bị, máy móc đã cũ của Pháp mà các đồng chí đảng viên, công nhân yêu nước, yêu mỏ bằng nhiều hình thức khôn khéo và kiên quyết đã đấu tranh trong những ngày cuối cùng của chế độ thực dân để giữ lại từ tay bọn chủ mỏ khi chúng rắp tâm cướp đi và phá hoại trước khi rút chạy năm 1955. Sau ngày vùng mỏ được giải phóng, ngay từ những ngày đầu tiếp quản, công nhân mỏ Đèo Nai tập trung ra sức khắc phục mọi khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị để khôi phục sản xuất, theo ước tính ban đầu thì phải mất từ 3 ¸ 6 tháng để khôi phục đường trục số 2 và vài năm tiếp theo công trường Đèo Nai mới có thể sản xuất trở lại bình thường. Nhưng với tinh thần làm chủ, vượt mọi khó khăn, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, chỉ 20 ngày sau công nhân Đèo Nai đã khắc phục xong đường trục số 2, khai thông sản xuất cho cả các mỏ than vùng Cẩm Phả, tiết kiệm được hàng ngàn công lao động và rất nhiều kinh phí cho Nhà Nước, tăng sản lượng khai thác than 1,5 lần so với ngày đầu mới tiếp quản từ 2.400 tấn/ngày lên 3.000 tấn/ngày.
Những năm tiếp theo, được sự giúp đỡ của chính phủ Liên Xô đã cử các đoàn chuyên gia sang giúp ta xây dựng kế hoạch phát triển ngành Than, từ năm 1956 ¸ 1959 công trường than Đèo Nai đã được Nhà nước đầu tư, cung cấp hàng loạt các trang thiết bị máy móc khai thác hiện đại có trọng tải lớn của Liên Xô để đưa vào sản xuất. Những tầng than cũ được mở rộng, mở thêm nhiều tầng than mới, lực lượng công nhân được tuyển thêm và đào tạo theo công nghệ mới, đến năm 1959 số lượng công nhân đã lên tới gần 2.000 người. Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống mới, thi đua học bổ túc văn hoá, xoá nạn mù chữ để thúc đẩy sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, an toàn - tiết kiệm được đẩy mạnh, đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân Đèo Nai ngày càng lớn mạnh, sản lượng than không ngừng tăng nhanh, năm 1955 tổng sản lượng khai thác than nguyên khai đạt 265 nghìn 100 tấn, trong đó than sạch đạt 182 nghìn tấn, thì đến năm 1959 sản lượng than nguyên khai đã lên tới 742 nghìn tấn, tăng gấp 3 lần, than sạch đạt 332 nghìn tấn, tăng 1,7 lần. Tổng sản lượng than trong 4 năm 1955¸1959 đạt 2 triệu 330 ngìn tấn, than sạch đạt 1 triệu 665 nghìn tấn, vượt cả sản lượng khai thác cao nhất của cả vùng mỏ dưới thời thực dân Pháp đô hộ, Đèo Nai trở thành đơn vị dẫn đầu Ngành Than nhiều lần được Đảng và Chính phủ biểu dương là đơn vị có thành tích xuất sắc nhất không chỉ trong sản xuất than mà trong tất cả các phong trào thi đua yêu nước. Và... niềm vinh dự, tự hào lớn lao nhất mà thợ mỏ Đèo Nai nhận được là đơn vị đầu tiên và duy nhất của ngành Than được đón Bác Hồ về thăm ngày 30/3/1959. Ngày ấy đã đánh dấu một mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử 58 năm xây dựng và phát triển của Công ty CP than Đèo Nai, là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của lớp lớp các thế hệ công nhân Đèo Nai.
Ngày ấy, Bác Hồ đã lên tận tầng 10, vào xem nơi ăn, ở của công nhân. Bác khen ngợi những cố gắng của CBCN về thành tích giữ gìn máy móc, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá. Ngay tại khai trường, Bác đã căn dặn CBCN Đèo Nai:
“Một điều nữa là phải cố gắng thi đua, muốn thi đua thì phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ, Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua. Muốn làm được nhiều than thì phải có tinh thần trách nhiệm và phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ... Cán bộ công nhân phải học tập tốt vấn đề cải tiến quản lý xí nghiệp.
Muốn cải thiện đời sống phải đào nhiều than, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết giữa công nhân và cán bộ, giữa công nhân với công nhân.
Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Đã 58 năm qua đi, nhưng tất cả những ai có mặt trong thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, sẽ mãi mãi không thể nào quên được hình ảnh Bác với bộ bà ba nâu giản dị, ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và một giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục của Bác trên tầng than Đèo Nai đầy nắng gió, thật vĩ đại mà thân thương xiết bao. Hình ảnh và lời dạy ân cần của Người mãi khắc sâu trong lòng thợ mỏ Đèo Nai, đó là động lực, là niềm tin cho CBCN Đèo Nai sức mạnh để vượt qua tất cả mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn.
Với những thành tích đã đạt được trong nhưng năm chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới, Đèo Nai đã hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, 05 lần được giữ Cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ cho ngành Than, 02 công nhân được tặng Huy hiệu Bác Hồ và 02 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Không phải chỉ đến khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát động thì phong trào thi đua làm theo lời Bác ở Đèo Nai mới được lan rộng. Ngay sau khi Bác Hồ về thăm, hàng năm Đèo Nai đều phát động phong trào “CB - CNVC làm theo lời Bác”.
Công ty đã đẩy mạnh việc trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường, được đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng nhất là vào những dịp tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ hằng năm. Từ năm 2004 đến nay đã trồng được 122ha cây xanh và cỏ chống xói mòn. Năm 2009 Công ty đã được sở Tài nguyên - Môi trường chứng nhận đã xử lý triệt để môi trường theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ.
58 năm qua, kể từ ngày Bác về thăm, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, trên từng bước đi của mình, cán bộ, CNVCLĐ Than Đèo Nai luôn luôn thấm nhuần lời dạy của Bác năm xưa, thế hệ nối tiếp thế hệ, công nhân Đèo Nai quyết tâm xây dựng Công ty ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững, góp phần xây dựng ngành Than trở thành một Ngành kinh tế gương mẫu, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp, như lời Bác hằng mong, xứng đáng với truyền thống Anh hùng của một đơn vị duy nhất trong ngành Than vinh dự được Bác Hồ về thăm./.