Chiều 27/4, tại Ninh Bình, Tập đoàn TKV đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm thực hiện Chỉ thị liên tịch số 51/CTLT/TGĐ-CĐTKV ngày 22/3/2016 và tiếp tục tái cơ cấu lao động (giai đoạn 2). Nhiệm vụ đặt ra là năm 2017, các công ty con cùng các đơn vị trực thuộc Tập đoàn cần tiếp tục thực hiện công tác tinh giản lực lượng lao động theo Chỉ thị số 51 của Tập đoàn một cách quyết liệt và hiệu quả. Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải và Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân đồng chủ trì Hội nghị.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 - NQ/ĐU của Đảng uỷ Tập đoàn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý lao động giai đoạn 2016 - 2020, ngày 22/3/2016, Tổng Giám đốc Tập đoàn và Công đoàn TKV đã ký ban hành Chỉ thị liên tịch số 51/CTLT/TGĐ-CĐTKV về việc tăng cường quản lý công tác tuyển dụng, sử dụng và tái cơ cấu lực lượng lao động.
Đánh giá kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 51, đồng chí Trần Văn Cừ - Trưởng ban Tổ chức nhân sự Tập đoàn nhấn mạnh:
Về siết chặt khâu tuyển dụng lao động: Trước thực tế các tháng cuối năm 2016, Tập đoàn phải giảm sản lượng tiêu thụ dẫn đến giảm sản xuất, xuất hiện tình huống dư thừa tạm thời thợ lò ở một số đơn vị. Ngày 22/6/2016, Tổng Giám đốc đã ký ban hành Công văn số 2853/TKV-TCNS yêu cầu tạm dừng tuyển mới lao động (kể cả tái tuyển) từ ngày 01/7/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Trên thực tế, các đơn vị thành viên đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn. Hầu hết các đơn vị đều không tuyển thêm lao động, trường hợp tuyển dụng đều báo cáo Tập đoàn duyệt và chỉ tập trung vào đối tượng là vợ, con thợ lò bị chết do tai nạn lao động, các gia đình thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng.
Về kết quả tiết giảm lao động: Đến hết năm 2016, tổng số lao động giảm tuyệt đối theo Chỉ thị 51 (so với thời điểm 30/9/2015) là 6.310 người/4.318 người kế hoạch (số này không bao gồm lao động giảm do thoái vốn tại các công ty liên kết và số thợ lò giảm do giảm sản lượng và sẽ tuyển bổ sung thay thế trong các năm tiếp theo). Còn nếu so với thời điểm 01/01/2016 thì tính riêng năm 2016, số lao động của TKV đã giảm cơ học là 5.704 người. Trước đó, năm 2015 giảm được 5.656 người. Như vậy, trong 2 năm qua TKV đã tiết giảm được 11.360 người và nếu tính cả giai đoạn 5 năm (2012 - 2016) thì TKV đã giảm được 15.164 lao động. Hiện nay, số lao động danh sách của TKV đến thời điểm 31/12/2016 chỉ còn 110.631 người và đến thời điểm hết quý I/2017 tiếp tục giảm xuống còn 109.900 người.
Trong đó, có thể kể đến một số đơn vị làm tốt như: nếu tính theo chỉ tiêu số lượng người giảm nhiều nhất là Tổng công ty Khoáng sản, Công ty than Hòn Gai, Công ty than Đèo Nai… Còn nếu tính theo mức độ hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao chỉ tiêu là Công ty than Nam Mẫu, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II…
Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức: về cơ bản, cơ cấu tổ chức phòng ban, phân xưởng của các đơn vị xây dựng mỏ, sản xuất than, sàng tuyển, kho vận và cơ khí đã theo đúng mô hình mẫu Tập đoàn quy định. Hệ thống các phòng ban chức năng của các công ty con đã được sắp xếp tương ứng với các ban của Tập đoàn, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống ngành dọc. Tính đến nay, đơn vị cuối cùng là Tổng công ty Điện lực đã giải thể Ban Tài chính, theo đúng mô hình của Tập đoàn đã hợp nhất Ban Kế toán và Ban Tài chính làm một.
Đồng thời, đồng chí Trưởng ban TCNS Tập đoàn cũng trao đổi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục tinh giản lao động năm 2017. Cụ thể, theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017 - 2020 đã trình Bộ Công Thương, đến hết năm 2020, lao động của toàn TKV sẽ phải giảm xuống còn dưới 100 ngàn người. Tại thời điểm này, lao động của Tập đoàn đã giảm xuống còn hơn 109 ngàn người. Như vậy, mục tiêu dài hạn của TKV là từ nay đến hết năm 2020, mỗi năm sẽ phải giảm khoảng 3 ngàn lao động. Cùng với đó, không những chỉ tập trung vào giảm số lượng lao động, TKV còn đặt mục tiêu phải đưa tỷ trọng lao động giữa các khối quản lý, phục vụ, phụ trợ và công nghệ về cơ cấu hợp lý. Theo đó, tỷ trọng lao động khối quản lý phải dưới 10% và càng thấp hơn càng tốt, lao động phục vụ giảm xuống dưới 5% và giảm càng nhiều càng tốt, đưa tỷ trọng lao động công nghệ và phụ trợ công nghệ lên càng cao càng tốt. Mặt khác phải tiếp tục đổi mới cơ cấu và chất lượng lao động bằng cách thay thế lao động chất lượng thấp bằng lao động chất lượng cao hơn; phải tăng cường tuyển dụng kỹ sư, cử nhân hệ chính quy các chuyên ngành phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề tại Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV khẳng định, từ khi Chỉ thị 51 được ban hành, Công đoàn TKV cũng như các cấp công đoàn trong toàn Tập đoàn đã vào cuộc tích cực và kịp thời để tuyên truyền, giải thích cho người lao động, giúp họ hiểu rõ và đúng tinh thần của Chỉ thị, từ đó có sự chia sẻ, tạo sự đồng thuận, thống nhất chung. Chỉ thị đã góp phần giải quyết được một số bất cập trong công tác quản trị lao động, dần hình thành ý thức và tư duy mới cho CNCB Tập đoàn về việc sắp xếp mô hình tổ chức sản xuất sao cho phù hợp, hiệu quả hơn. Trong thời gian tới cần tiếp tục coi việc thực hiện Chỉ thị 51 vừa là nhiệm vụ cấp cách vừa là nhiệm vụ lâu dài.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải phát biểu ghi nhận và biểu dương các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã rất quyết liệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị theo chỉ đạo của Tập đoàn, mang lại những hiệu quả thiết thực, đóng góp không nhỏ vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của TKV. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Tập đoàn xây dựng và triển khai những chủ trương lớn tiếp theo. Đồng thời, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị cần lưu ý một số những việc trọng tâm phải triển khai trong thời gian tới như: phải đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, trong đó, chú trọng đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại - đây là cái gốc của vấn đề bố trí lao động. Công nghệ hiện đại, năng suất cao thì sẽ sử dụng ít lao động - vì vậy phải mạnh dạn quy hoạch lại tài nguyên của một số mỏ than để có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong xây dựng mỏ và khai thác mỏ. Tiếp tục đầu tư các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ ở các mỏ than có điều kiện tài nguyên thuận lợi. Đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa ở tất cả những khâu có thể thực hiện được ở các mỏ than, nhà máy tuyển, nhà máy điện, nhà máy luyện kim. Thêm đó, phải cải tiến, đổi mới quy trình, quy phạm và các quy định nội bộ. Càng phức tạp, càng nhiều bước, nhiều đối tượng tham gia thì càng phải bố trí nhiều lao động để đáp ứng. Mặt khác, tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm lao động dôi dư không cần thiết và tiếp tục kiểm soát không để tăng lao động năm 2017…