Cũng như lần trước, nội dung này thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, với những luồng ý kiến xung đột, trái chiều.
Còn nhiều băn khoăn
Dự thảo lần 2 này, Bộ LÐ-TB-XH đã đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1: giữ như hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLÐ) là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình): Áp dụng từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. So với dự thảo lần thứ nhất công bố cuối năm 2016, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã được rút ngắn. Theo phương án cũ, phải mất 8 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, mất 20 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 thì nay chỉ còn lần lượt 4 và 10 năm. Nếu phương án này được thông qua, thời gian áp dụng tuổi nghỉ hưu mới cho nam sẽ là năm 2025 và nữ từ 2031.
Về lý do tăng tuổi nghỉ hưu, lý giải của Bộ vẫn là sợ mất cân đối thu - chi quỹ BHXH, tuổi thọ trung bình tăng nên cần tăng thời gian đóng BHXH, đối phó với việc hết thời kỳ dân số vàng.
Việc đề xuất đẩy nhanh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã khiến không ít người bất ngờ. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, Bộ LÐ- TB- XH quá vội vàng khi đưa ra phương án trên. "Tăng tuổi nghỉ hưu người được hưởng lợi thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, công việc nhẹ nhàng nhưng lại hưởng lương cao, đặc biệt đối tượng làm công tác lãnh đạo có thể được hưởng nhiều hơn", ông Thọ bày tỏ quan điểm.
Theo ông Thọ, những đối tượng không được hưởng lợi thì đang mong muốn tuổi nghỉ hưu giảm đi chứ không phải tăng. Ðó là công nhân làm những công việc nặng nhọc, độc hại, buồn tẻ. Chưa kể, hiện nay, số nam và nữ thanh niên bước vào tuổi lao động đang có tỷ lệ thất nghiệp khá cao. Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì thách thức là sẽ làm lãng phí số lớn thanh niên đang trong giai đoạn lao động ưu tú. "Thời điểm này khoan hãy bàn tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu. Bộ LÐ-TB-XH cần theo dõi tình hình kinh tế - xã hội năm nay và 2018. Từ đó, mới đưa ra đánh giá tình hình, bàn tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu", ông Thọ kiến nghị.
Kết quả khảo sát lấy ý kiến người lao động (NLÐ) đang làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp ở cả ba miền từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2016 do Viện Công nhân - Công đoàn tiến hành cho thấy, đại đa số công nhân lao động đều muốn nghỉ hưu sớm và không muốn tăng tuổi làm việc.
Nhìn theo góc độ việc làm với lao động trẻ, ông Lê Như Tiến, nguyên đại biểu Quốc hội bày tỏ: "Ban soạn thảo phải tính đến một phương án hài hòa, không nhất thiết tất cả đều phải về hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 với nam. Theo tôi chỉ một số vị trí, một số ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia... với điều kiện cơ quan đó có nhu cầu tiếp nhận và NLÐ có nhu cầu làm việc".
Cần thiết có lộ trình phù hợp
Nói về lý do đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu do Bộ LÐ- TB- XH đưa ra, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LÐ- TB- XH, cho rằng, những lý do này đều chưa đủ thuyết phục. Bởi tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một giải pháp. Và cần phải kéo dài lộ trình để xã hội quen dần, tránh gây "sốc" cho NLÐ. Theo ông Huân, điều quan trọng nhất cơ quan nghiên cứu cần phải làm là đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào đến thị trường LÐ, sức khỏe, vấn đề quản lý quỹ… Cùng với đó là các bước đi cần phải có lộ trình hết sức cụ thể. Trước hết, vẫn phải giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu cho bộ phận NLÐ làm công việc nặng nhọc, độc hại. Nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu trước cho khối hành chính, sự nghiệp, có thể viên chức quản lý, những người làm chuyên môn nghiệp vụ tại các doanh nghiệp sẽ tăng tuổi nghỉ hưu cùng công chức. Những NLÐ trực tiếp sản xuất sẽ là đối tượng thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu sau cùng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội cũng cho rằng, lý do tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với tốc độ già hóa dân số và tránh thâm hụt quỹ BHXH là chưa thuyết phục. Tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa trên yếu tố kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm cao hơn tỷ lệ tăng lực lượng lao động.
Tức là số lao động làm việc mới nhiều hơn số cung LÐ, khi đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó. Yếu tố thứ hai, liên quan đến quỹ BHXH. Mô hình của chúng ta hiện nay theo nguyên tắc đóng - hưởng và đóng ít - hưởng nhiều không còn phù hợp do tuổi thọ sau nghỉ hưu ngày càng cao. Vì vậy, cần phải tiến tới hình thức đóng như thế nào, hưởng như thế đó.
Muốn quỹ BHXH không vỡ, cơ quan bảo hiểm phải có giải pháp mở rộng đối tượng chưa tham gia BHXH, phải tính toán đầu tư để quỹ sinh lời, ngăn chặn được tình trạng trốn đóng BHXH. "Tôi ủng hộ xu hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng phải vận dụng cho phù hợp và phải có lộ trình. Thực tế, trình độ phát triển sản xuất của nước ta, đặc biệt là trình độ công nghệ còn thấp, chỉ có một số nhà máy áp dụng công nghệ cao, điều kiện lao động được cải thiện.
Còn lại những lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại; những lĩnh vực không phải công nghệ cao nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tinh mắt, nhanh tay như: giày da, dệt may, lắp ráp điện… không có khả năng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Hiện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng sa thải lao động đến tuổi 35. Nếu kéo dài đến 60 tuổi nghỉ hưu, người ta đi đâu về đâu? Ðây là bài toán xã hội rất lớn", ông Dũng nói.
Qua các luồng ý kiến lập luận trái chiều về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, có thể thấy việc điều chỉnh này cần được tiến hành một cách cẩn trọng. Ðó là chưa kể, theo kế hoạch năm 2017 biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải giảm gần 4.000 người theo Quyết định 1998/QÐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có đạt yêu cầu? Lộ trình cải cách hành chính đến năm 2020 trong đó có vấn đề tinh giản biên chế sẽ làm dôi dư lao động như thế nào? Còn một số yếu tố nữa như mô hình bệnh tật đối với người từ 55 tuổi trở lên hiện nay, hay tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… liệu đã được Ban dự thảo tính đến?
Thiết nghĩ, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động rất lớn đến đời sống xã hội cũng như tốc độ phát triển của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, mọi bước đi cần được tính toán hết sức kỹ lưỡng để tránh những hậu quả không mong muốn, hay nới rộng, tạo nên những điều kiện bất bình đẳng trong lao động xã hội.