Công tác Tuyên truyền

15 Học viên Lớp thông gió trưởng thành tại Trường AGH, KRAKOW (Ba Lan)

Ngày đăng: 17/7/2017

Trong bài trình bày về sự hợp tác quốc tế trong đào tạo của Trường đại học Khoa học & Công nghệ AGH tại Hội thảo quốc tế về “Khoa học trái đất và Phát triển bền vững tài nguyên” tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội, giáo sư Marek Borowski, phó trưởng khoa Mỏ và Khoa học Trái đất đã đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả trong chương trình đào tạo thạc sỹ về thông gió của TKV.
Theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Công nghiệp Ba Lan, năm 2015 ngành than đã khai thác được 72,5 triệu tấn từ 30 mỏ than với độ sâu thấp nhất là 1.200m và độ sâu trung bình là 850m so với mặt nước biển.
Giáo sư Marek cho biết trường đại học Khoa học & Công nghệ AGH có 16 khoa với 57 chuyên ngành, 107 khóa đào tạo quốc tế và số lượng sinh viên lên đến 33,453 (trong đó có 2,203 học viên sau đại học). Trường AGH đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 300 Công ty và hàng năm thực hiện khoảng 200 dự án nghiên cứu với các đối tác nước ngoài.
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm Lò, Vinacomin đã lựa chọn 15 kỹ sư có đạo đức tốt, tâm huyết với nghề mỏ, trình độ và kỹ năng tay nghề cao để cử sang đào tạo về kỹ thuật thông gió tại Nước Cộng hòa Ba Lan một đất nước có nền công nghiệp khai khoáng phát triển.
Để đảm bảo các học viên có thể hòa nhập với cuộc sống và tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập tại Ba Lan, TKV đã tổ chức chương trình đào tạo tiếng Ba Lan và văn hóa của đất nước này từ ngày 15/10/2014 đến 30/3/2015 tại trường Quản trị Kinh doanh - Vinacomin. Theo nhận xét của các học viên, đây là một trong các điều kiện tốt để các học viên sớm hòa nhập và thích nghi với cuộc sống cũng như nâng cao hiệu quả học tập.
Trường AGH là một trong các thành viên của tiến trình Bologna - Bologna Process (sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước Châu Âu bắt đầu vào năm 1999, bắt nguồn từ việc chính phủ các nước Châu Âu nhận thấy đang bị cạnh tranh dữ dội bởi các cường quốc tri thức mới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Do vậy, các nước này ý thức được sự cần thiết phải hợp lực để thực hiện cải cách nền giáo dục của mình một cách căn bản. Tham gia Tiến trình Bologna là hoàn toàn tự nguyện với 46 quốc gia thành viên. Mục tiêu của Tiến trình Bologna là tạo được một Khu vực giáo dục đại học Châu Âu (European Higher Education Area). Khu vực giáo dục này phải có những đặc điểm ưu việt để có thể thu hút sinh viên từ bên trong lẫn bên ngoài Châu Âu) do vậy phải tuân thủ các yêu cầu như: số lượng các kỳ học, số lớp học, các chuyên ngành chính và số lượng tín chỉ ECTS. Tuy nhiên, Trường AGH và các khoa được hoàn toàn tự chủ trong việc thiết kế các chương trình đặc thù cho các khóa đào tạo cao học. Ví dụ như khóa đào tạo cao học về kỹ thuật thông gió theo yêu cầu của TKV. 15 học viên đã được trang bị các kiến thức thực tế về hệ thống thông gió mỏ và phòng ngừa thảm họa thiên nhiên./.
Vũ Hùng Phương, Trường Quản trị Kinh doanh - Vinacomin

Chia sẻ bài viết: